Hiệu quả thiết thực từ mô hình câu lạc bộ giữ gìn dòng chảy văn hóa Thái
Giá trị văn hóa thể hiện sự trường tồn của mỗi dân tộc. Chính vì vậy, tỉnh Sơn La luôn chú trọng việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, nhất là giữ gìn và khôi phục các nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái, thông qua mô hình các câu lạc bộ của xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La.
Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc cùng sinh sống, với nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán đa dạng, phong phú. Các dân tộc như Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú, La Ha, Sinh Mun... đều được hình thành và phát triển từ một nền văn hóa lâu đời, đặc sắc, độc đáo, mang nét đặc trưng riêng khác biệt về cả ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng. Mỗi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết, văn hóa khác nhau. Bởi vậy, các nghệ nhân dân tộc Thái tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La, là những người hiểu biết sâu sắc về văn hóa đã dành nguồn lực để quan tâm và hỗ trợ truyền dạy, phát triển niềm đam mê về văn hóa dân tộc, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong bảo tồn văn hóa dân tộc cho thế hệ tương lai.
Trong kho tàng tri thức dân gian, những di sản vô giá của dân tộc được tái hiện trong những kho sách cổ, viết bằng chữ viết cổ của đồng bào dân tộc Thái. Ở đó, chứa đựng những câu chuyện từ nhành cây, ngọn cỏ cho đến chuyện khai thiên, lập địa, sự hình thành và quá trình phát triển của cả một cộng đồng dân tộc Thái. Quá trình hội nhập văn hóa toàn cầu đã khiến tiếng Thái dần bị mai một. Với mong muốn gìn giữ, bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái trong cộng đồng dân cư, vừa qua, có rất nhiều câu lạc bộ được mở ra trên địa bàn tỉnh Sơn La đã phát huy được hiệu quả tích cực.
Việc mở các lớp truyền dạy chữ Thái, xuất phát từ nỗi trăn trở về văn hóa cội nguồn. Câu lạc bộ “Những thành viên liên thế hệ, nhóm phát triển tài năng dân tộc Thái” xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu đã tích cực gìn giữ tiếng nói, chữ viết và văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Được tổ chức và dạy bởi những người am hiểu và có kinh nghiệm dạy chữ Thái, lớp học có gần 40 học viên là người dân ở các bản Luôn Mé và Na Pản, học vào các ngày chẵn trong tuần (thứ 2, 4, 6). Các học viên sẽ được học viết chữ, tập đọc, ghép vần...
Bà Quàng Thị Bưởng, Chủ nhiệm câu lạc bộ nói lên những mong muốn của mình: “Chúng tôi là người dân tộc Thái Đen nên chúng tôi muốn giữ gìn và truyền lại các bài hát của người dân tộc Thái, nhất là Thái cổ. Mọi người đều nhiệt tình tham gia để truyền lại cho con cháu của mình sau này”.
Tại một buổi học chữ Thái của câu lạc bộ văn hóa Thái ở bản Hồ, xã Chiềng Xôm, ông Quàng Văn Lả, ở bản Hụm là một giáo viên về hưu am hiểu về tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái trực tiếp đứng lớp. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng với mong muốn gìn giữ và lưu truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống cội nguồn dân tộc mình, ông đã dành thời gian mở các lớp truyền dạy chữ Thái vào các buổi tối cuối tuần. Tại đây, các học viên không chỉ được học cách đánh vần, cách đọc, viết, ghép từng chữ cái, mà còn được biết về những tập tục của người Thái xa xưa. Cùng với cách dạy dễ hiểu và không khí vui vẻ của lớp học, đã thu hút hàng chục thành viên từ 8 đến 65 tuổi tham gia.
Ông Quàng Văn Lả cho biết: “Từ khi thành lập, cùng với những người khác trong câu lạc bộ chữ Thái này, chúng tôi đã duy trì được việc bảo tồn văn hóa dân tộc Thái của mình. Người dân ở đây cũng rất muốn biết được chữ Thái, những phong tục tập quán của người Thái, vậy nên, tôi sẽ cố gắng hướng dẫn, luyện tập, dạy học cho những người dân và các cháu trong bản được biết được chữ Thái”. Để bảo tồn nét chữ của dân tộc, ngoài những giờ lên lớp, ông Lả còn truyền dạy tại nhà cho những ai muốn học. Em Quàng Thảo Linh, ở bản Hụm vui vẻ nói: “Khi bắt đầu được học chữ Thái, em cảm thấy nhìn nhận được mặt chữ của dân tộc mình được dễ dàng hơn. Em đã tự đọc và biết những phong tục văn hóa truyền thống của dân tộc. Em sẽ cố gắng để học và biết được nhiều chữ Thái để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình”.
Dễ nhìn thấy nhất trong trang phục của phụ nữ dân tộc Thái, chính là chiếc khăn piêu với những hình hoa văn đặc sắc. Cũng giống như ông Lả, bà Lò Thị Tâm, Chủ nhiệm câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái cổ ở tổ 3, phường Chiềng An, thành phố Sơn La luôn dành hết tâm huyết để truyền dạy những kỹ thuật thêu khăn piêu cho thế hệ trẻ. Bằng kinh nghiệm dày dặn, đúc kết từ những thế hệ đi trước, bà Tâm luôn tận tình hướng dẫn các học viên từng đường kim, mũi chỉ, ân cần truyền dạy những kỹ thuật, động tác thêu để tạo nên một chiếc khăn piêu hoàn chỉnh. Bà Tâm chia sẻ: “Tôi thường truyền dạy cho giới trẻ về cách thêu khăn piêu để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái Đen. Đồng thời, cũng giúp cho giới trẻ biết cách làm khăn piêu của dân tộc để giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ tương lai, góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc không bị mai một”.
Có thể thấy rõ, những hoạt động từ mô hình các câu lạc bộ tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đem lại hiệu quả thiết thực. Niềm đam mê và sự tâm huyết của những người nghệ nhân đã và đang khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển dòng chảy văn hóa của dân tộc Thái ở Sơn La. Từ những hoạt động đó đã giúp thế hệ trẻ ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa. Đồng thời, khơi gợi tinh thần đoàn kết, sáng tạo, cùng nhau thi đua học, rèn luyện và đẩy lùi các tệ nạn xã hội để xây dựng quê hương, bản làng ngày một văn minh, giàu đẹp hơn.