Hiệu quả thiết thực từ Phong trào xây dựng 'Đơn vị quân y 5 tốt' - Bài 2: Nâng tầm công tác quân y trong tình hình mới (tiếp theo và hết)

Từ năm 2018 đến nay, việc triển khai thực hiện Phong trào thi đua (PTTĐ) xây dựng 'Đơn vị quân y 5 tốt' gặp không ít khó khăn do phải đối mặt với những thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và những mặt trái của cơ chế thị trường.

Song, càng trong gian khó, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành quân y càng nêu cao tinh thần đoàn kết, sẵn sàng xung kích nơi tuyến đầu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; chủ động, sáng tạo, chiếm lĩnh những đỉnh cao y học, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, làm tròn nghĩa vụ với bạn bè quốc tế...

Phát triển mạnh mẽ ở các tuyến

Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) đánh giá: 5 năm qua, PTTĐ xây dựng “Đơn vị quân y 5 tốt” đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực mọi mặt công tác của ngành quân y, các tuyến quân y có sự phát triển mạnh mẽ, đồng bộ. Hệ thống bệnh xá từ cấp trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn và tương đương tiếp tục được đầu tư bổ sung trang thiết bị y tế hiện đại, cần thiết, phục vụ chẩn đoán, điều trị cho bộ đội và nhân dân; chất lượng cấp cứu, điều trị tại tuyến quân y đơn vị ngày càng được nâng lên. Quân y tuyến cơ sở đã có thể làm chủ các kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn, trong đó có một số phẫu thuật trung phẫu; đồng thời, làm tốt công tác phát hiện, xử trí các ca cấp cứu phức tạp; các bệnh viện tuyến B đã thực hiện được một số kỹ thuật của tuyến trên.

 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là trung tâm ghép tạng hàng đầu cả nước. Ảnh: MAI HẰNG

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là trung tâm ghép tạng hàng đầu cả nước. Ảnh: MAI HẰNG

Tìm hiểu về nội dung này, chúng tôi được Trung tá Vũ Xuân Đình, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Quân y 24, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) cho biết, những năm gần đây, cấp trên đã đầu tư cho đơn vị nhiều loại trang thiết bị hiện đại, như máy siêu âm màu 3D, giúp bác sĩ phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhiều bệnh lý nguy hiểm. Còn Thượng tá Trương Quang Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 4 (Quân khu 4) phấn khởi chia sẻ: "Hiện nay, Bệnh viện được đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; đội ngũ cán bộ, nhân viên được bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên nên đã làm chủ được nhiều kỹ thuật mà trước đây chỉ tuyến Trung ương mới có thể thực hiện. Nhờ đó, tỷ lệ phải chuyển tuyến giảm rất nhiều".

 Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần) được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh. Ảnh: THẮNG GIÁP

Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần) được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh. Ảnh: THẮNG GIÁP

Đối với các bệnh viện tuyến cuối của Quân đội, từ năm 2018 đến nay có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là những kỹ thuật chuyên sâu như phẫu thuật tạo hình, chỉnh hình, cấy ghép chi thể; đủ khả năng triển khai các kỹ thuật điều trị bệnh lý phức tạp... Đặc biệt, một số bệnh viện đã phát triển những kỹ thuật chuyên sâu, tương đương với trình độ các nước có nền y học tiên tiến trong khu vực. Riêng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có thể triển khai thực hiện nhiều loại ghép gan phức tạp; đã chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho nhiều bệnh viện trong cả nước và phối hợp thực hiện thành công ca ghép gan cho trẻ bị ung thư, lần đầu tiên được tiến hành tại Việt Nam.

Hình ảnh đẹp thầy thuốc quân y

Hiện nay, ngành quân y đang vận hành hiệu quả 10 bệnh viện quân-dân y, 5 trung tâm y tế quân-dân y tại các huyện đảo, 34 bệnh xá quân-dân y và 835 trạm y tế quân-dân y, thực hiện cấp cứu, điều trị cho nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Trên những vùng hải đảo xa xôi như quần đảo Trường Sa, các bệnh xá, trung tâm y tế quân-dân y thực sự là chỗ dựa vững chắc cho bộ đội và ngư dân. Trong 5 năm qua, lực lượng quân y trên quần đảo Trường Sa đã khám, điều trị, cấp thuốc miễn phí cho hơn 700.000 lượt người, cấp cứu cho 232 bệnh nhân nặng.

Trung tá Bùi Đình Khải, Trưởng phòng Quân y, Cục Hậu cần Bộ đội Biên phòng (BĐBP) chia sẻ, lực lượng quân y BĐBP hiện có 125 phòng khám, bệnh xá quân-dân y tại các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới, góp phần quan trọng trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhân dân ở vùng biên và cả người dân nước bạn. Từ năm 2018 đến nay, chỉ riêng trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, BĐBP đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng thêm các trạm xá quân-dân y.

Người dân cả nước đánh giá rất cao tinh thần xung kích, sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu, vào vùng gian khó của đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y, nhất là khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Từ năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước, lực lượng quân y đã tham gia cùng toàn quân thành lập 194 cơ sở cách ly phòng dịch và các bệnh viện dã chiến, xét nghiệm, điều trị cho hàng trăm nghìn lượt người dân. Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, hàng nghìn cán bộ, nhân viên, học viên quân y hăng hái lên đường làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, làm việc tại những nơi nguy hiểm nhất như bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, các tổ quân y cơ động đến từng gia đình xét nghiệm, điều trị, tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhân dân...

Tại một buổi xuất quân của đoàn cán bộ, học viên Học viện Quân y lên đường vào miền Nam chống dịch Covid-19, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xúc động phát biểu: “Chúng ta đã đi qua nhiều cuộc trường chinh để giữ gìn đất nước, non sông này. Đây lại là một cuộc trường chinh mới, một cuộc chiến mới... Tôi tự hào có các bác sĩ, các chiến sĩ quân y trong Quân đội nhân dân Việt Nam, các đồng chí có đủ trình độ, năng lực, đủ khả năng để chúng ta chống lại đợt dịch Covid-19 này...”.

 Cán bộ, học viên Học viện Quân y biểu thị quyết tâm tại lễ xuất quân vào miền Nam chống dịch Covid-19, ngày 21-8-2021. Ảnh: CHIẾN VĂN

Cán bộ, học viên Học viện Quân y biểu thị quyết tâm tại lễ xuất quân vào miền Nam chống dịch Covid-19, ngày 21-8-2021. Ảnh: CHIẾN VĂN

Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong PTTĐ xây dựng “Đơn vị quân y 5 tốt” giai đoạn 2018-2022 là hết sức quan trọng. Theo Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Trường Giang, thời gian tới, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành quân y tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, không ngừng phấn đấu nâng cao y đức và trình độ y thuật, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nội dung PTTĐ đề ra, góp phần xây dựng ngành quân y “Mạnh về tổ chức và khả năng cơ động; giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về chính trị tư tưởng và y đức”, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ năm 2018 đến 2022, ngành quân y có rất nhiều cá nhân được tặng những danh hiệu, phần thưởng cao quý; nhiều tập thể, cá nhân được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế... Trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, ngành quân y có 151 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động; 229 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; hơn 3.000 tập thể, cá nhân được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen...

VĂN CHIỂN - HỒNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hieu-qua-thiet-thuc-tu-phong-trao-xay-dung-don-vi-quan-y-5-tot-bai-2-nang-tam-cong-tac-quan-y-trong-tinh-hinh-moi-tiep-theo-va-het-730884