Hiệu quả thiết thực từ tổ tư vấn quân nhân

Quản lý tư tưởng và tình hình chấp hành kỷ luật của quân nhân là khâu rất quan trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Vì thế, ngay từ đầu năm, công tác kiện toàn và bồi dưỡng Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân (gọi tắt là tổ tư vấn quân nhân) được cấp ủy, chỉ huy các đơn vị chú trọng thực hiện.

Hiểu biết như một người bạn

Tổ tư vấn quân nhân là mô hình được tổ chức thực hiện rộng rãi trong toàn quân, hiện đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Ở cấp đại đội, tổ có từ 3 đến 5 thành viên, do chính trị viên hoặc chính trị viên phó làm tổ trưởng. Trong giai đoạn đầu, chiến sĩ mới thường dễ nảy sinh tâm lý căng thẳng, lo âu thái quá, khả năng chịu đựng, sức bền yếu, thiếu kỹ năng ứng xử trong môi trường có tính tập thể cao. Nếu không dự báo, nắm và giải quyết tốt các vấn đề đó, đơn vị rất dễ xảy ra các vấn đề không mong muốn.

Tổ trưởng Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý Đại đội 16, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9, Quân đoàn 34) trò chuyện với hạ sĩ quan, binh sĩ có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Tổ trưởng Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý Đại đội 16, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9, Quân đoàn 34) trò chuyện với hạ sĩ quan, binh sĩ có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Tìm hiểu tại Sư đoàn 309 (Quân khu 7), chúng tôi được biết, chương trình tập huấn cán bộ giai đoạn 1 năm 2025, đơn vị đã giới thiệu đến 100% cán bộ chuyên đề “Một số nội dung chính của Quy chế số 775/QĐ-CT và trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy trong tiến hành công tác tư tưởng, định hướng dư luận”. Tiếp thu kiến thức, kỹ năng được trang bị tại lớp tập huấn, Thượng úy Phan Văn Tưởng, Chính trị viên Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 31 đã tiến hành kiện toàn tổ tư vấn quân nhân của đơn vị chặt chẽ, nghiêm túc. Cơ cấu của tổ không chỉ có sĩ quan mà còn có các đồng chí tiểu đội trưởng nhằm bám nắm sát sao, tỉ mỉ, kịp thời diễn biến tư tưởng của chiến sĩ mới. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với chính trị viên là phải “hiểu biết như một người bạn”, trong thời gian này, các thành viên trong tổ đã hoạt động hết công suất, mỗi ngày gặp gỡ, giải quyết tư tưởng cho 8-10 chiến sĩ.

Thượng úy Phan Văn Tưởng cho biết: “Tổ triển khai phương pháp nắm bắt tình hình thông qua nghiên cứu lý lịch tự thuật chiến sĩ mới, qua đội ngũ tiểu đội trưởng, tổ chiến sĩ bảo vệ, kết hợp kết nối với gia đình, địa phương và trực tiếp quan sát cử chỉ, hành động của chiến sĩ. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến những chiến sĩ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đã có vợ, con; chiến sĩ gặp vấn đề với người yêu hoặc có sức chịu đựng yếu khi thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, chúng tôi khoanh vùng và tổ chức gặp gỡ riêng, lắng nghe, chia sẻ, giáo dục, thuyết phục, động viên và cùng chiến sĩ mới tháo gỡ các vướng mắc như một người bạn”.

Thực sự gương mẫu về mọi mặt

Khác với chiến sĩ mới, chiến sĩ năm thứ hai có tâm lý, tư tưởng vững vàng, sức chịu đựng cao hơn. Vì vậy, ở Đại đội 16, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9, Quân đoàn 34), hoạt động của tổ tư vấn quân nhân hướng nhiều về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục các biểu hiện lệch chuẩn, xây dựng hành vi ứng xử đúng đắn trong đơn vị. Đợt hoạt động cao điểm của tổ là giai đoạn giải quyết phép cho bộ đội, diễn tập, hành trú quân làm công tác dân vận, chuẩn bị xuất ngũ...

Cán bộ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 31 (Sư đoàn 309, Quân khu 7) tổ chức vui chơi cho chiến sĩ mới trong tuần đầu nhập ngũ.

Cán bộ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 31 (Sư đoàn 309, Quân khu 7) tổ chức vui chơi cho chiến sĩ mới trong tuần đầu nhập ngũ.

Để phòng tránh vi phạm pháp luật, kỷ luật trong đơn vị, theo Đại úy Võ Hoàng Vũ, Chính trị viên Đại đội 16, Trung đoàn 2, mỗi thành viên trong tổ phải nắm thật chắc và tư vấn hiệu quả cho bộ đội các luật về hôn nhân gia đình, nghĩa vụ quân sự, an toàn giao thông, an ninh mạng cũng như các điều lệnh, điều lệ, thông tư của Bộ Quốc phòng, các quy định của đơn vị về bảo đảm an toàn trong huấn luyện, diễn tập, công tác; tình hình kinh tế-xã hội, dân tộc, tôn giáo ở các địa phương... Đại úy Võ Hoàng Vũ chia sẻ thêm kinh nghiệm: “Các thành viên trong tổ tư vấn quân nhân của đại đội tôi luôn quán triệt phương châm “lắng nghe và thấu hiểu”, nhanh chóng đứng ra giải quyết, hòa giải các mâu thuẫn nảy sinh trong đơn vị một cách công bằng, hợp tình, hợp lý. Đồng thời, xây dựng tổ thực sự uy tín, là chỗ dựa tinh thần để cán bộ, chiến sĩ thổ lộ tâm tư, tình cảm, những vướng mắc về pháp lý, từ đó ngăn ngừa vi phạm, không để những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra”.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tư vấn quân nhân tại các đơn vị, theo Đại tá, Tiến sĩ Trịnh Xuân Ngọc, Trưởng ban Nghiên cứu đạo đức học quân sự, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự (Học viện Chính trị): Các đơn vị cần tránh việc thành lập tổ tư vấn cho đủ mà không chú ý đến tiêu chuẩn thành viên, không tạo được sự tin tưởng cho bộ đội, dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao, thậm chí còn có tác dụng ngược. Thành viên của tổ phải thực sự gương mẫu về mọi mặt để bộ đội tin yêu và noi theo. Mô hình này được hoạt động thực chất, linh hoạt, sáng tạo sẽ góp phần giữ vững trận địa tư tưởng trong đơn vị, giữ nghiêm kỷ luật, bảo đảm cho đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Bài và ảnh: LƯƠNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hieu-qua-thiet-thuc-tu-to-tu-van-quan-nhan-816820