Tuyển sinh 2025: Nhiều trường sư phạm 'nói không' với xét học bạ

Mùa tuyển sinh 2025, nhiều trường đào tạo khối ngành sư phạm dự kiến mở ngành mới, bỏ xét học bạ nhằm siết chất lượng đầu vào.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 4.995 sinh viên vào 50 ngành, chương trình đào tạo đại học chính quy thuộc 9 lĩnh vực (tăng 595 chỉ tiêu so với năm ngoái). 5 ngành mới mở trong năm nay gồm: Công nghệ sinh học, Vật lý học (vật lí bán dẫn và kỹ thuật), Lịch sử, Xã hội học, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam.

Về phương thức xét tuyển, trường sử dụng 3 phương thức gồm: xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội; xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực 2025 do trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. So với năm ngoái, trường bỏ phương thức xét học bạ THPT.

Các trường đào tạo ngành sư phạm lần lượt chốt phương án tuyển sinh 2025. (Ảnh minh họa)

Các trường đào tạo ngành sư phạm lần lượt chốt phương án tuyển sinh 2025. (Ảnh minh họa)

Về điều kiện dự tuyển, trường yêu cầu với tất cả ngành đào tạo thí sinh dự tuyển cần đáp ứng điều kiện: đã được công nhận tốt nghiệp THPT, kết quả rèn luyện (hạnh kiểm) tất cả 6 học kỳ cấp THPT đạt loại Khá trở lên.

Riêng với các ngành sư phạm, điều kiện dự tuyển là thí sinh phải có kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức Tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8 trở lên, trừ các ngành đặc thù (các ngành Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật: kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên).

Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) thông báo không xét tuyển sớm theo phương thức xét học bạ và không tổ chức thi năng khiếu ngành Giáo dục mầm non trong năm nay.

Các phương thức xét tuyển dự kiến của trường gồm: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thái Nguyên; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT kết hợp thi năng khiếu thể dục thể thao; xét chuyển học sinh hoàn thành chương trình dự bị đại học.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội dự kiến mở thêm 2 mã ngành đào tạo sư phạm: Sư phạm Tin và Sư phạm Tiếng Anh, nâng tổng số mã ngành đào tạo của nhà trường trong năm 2025 lên 30 mã ngành.

Nhà trường cũng cho biết, sẽ bỏ xét học bạ với các ngành đào tạo sư phạm, đồng thời thay đổi phương thức xét tuyển dựa vào chứng chỉ chứng nhận năng lực ngoại ngữ quốc tế thành phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ cùng một số tiêu chí khác.

Trường Đại học Sư phạm TP.HCM mới đây cho biết, mùa tuyển sinh năm nay trường tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi với điểm học tập THPT (học bạ) tương tự như năm ngoái. Phương thức này chiếm 40-50% tổng chỉ tiêu của trường. Số còn lại, trường dành xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, ưu tiên xét tuyển học sinh chuyên và tuyển thẳng (giải quốc gia, quốc tế).

Trước đó, Đại học Sư phạm TP.HCM dự tính bỏ xét học bạ hoàn toàn, thay vào đó xét độc lập điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Học sinh phải thi ít nhất hai môn, trong đó một môn chính (tùy tổ hợp). Điểm xét tuyển là tổng điểm môn chính nhân hệ số hai, cộng môn còn lại.

Tuy nhiên với thay đổi mới đây, thí sinh chỉ cần thi đánh giá năng lực một môn chính trong tổ hợp, rồi kết hợp với điểm trung bình học bạ trong ba năm của hai môn khác trong tổ hợp để đăng ký xét tuyển. Tỷ lệ điểm của môn chính có thể sẽ tăng.

2025 là năm đầu tiên, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng và sử dụng kết quả kỳ thi riêng của nhà trường để xét tuyển đại học.

5 phương thức còn lại gồm: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học bạ; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM; xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP.HCM.

Nhà trường lưu ý, các ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất, Quản lý Thể dục thể thao sử dụng các phương thức trên nhưng trong các tổ hợp tuyển sinh có sử dụng kết quả thi năng khiếu do trường tổ chức (không sử dụng kết quả thi năng khiếu của cơ sở giáo dục đại học khác).

Trường Đại học Hồng Đức dự kiến tuyển khoảng 2.690 chỉ tiêu trong năm 2025 qua 5 phương thức tuyển sinh, gồm: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025; xét học bạ; tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; tuyển thẳng theo quy chế của trường; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy do các đại học hoặc trường đại học tổ chức năm 2025.

Nhà trường lưu ý, riêng với các ngành đào tạo giáo viên, nhà trường chỉ sử dụng 4/5 phương thức nêu trên, trừ xét học bạ.

Kim Nhung

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tuyen-sinh-2025-nhieu-truong-su-pham-noi-khong-voi-xet-hoc-ba-ar927629.html