Hiệu quả thiết thực và toàn diện

Phát biểu tại Lễ phát động phong trào 'Bình dân học vụ số' diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, đây phải trở thành một phong trào cách mạng, toàn dân, toàn diện, bao trùm, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau. Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi.

Không phải đến bây giờ, tầm quan trọng của chuyển đổi số mới được đề cập đến. Điều này thể hiện rõ qua Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Sau đó, ngày 3.6.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Theo đó, nước ta trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Từ những “nền tảng” này, chỉ sau đó 2 năm, chuyển đổi số ở nước ta đã lan tỏa tới tất cả các cấp, các ngành và có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tính đến tháng 9.2024, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã bảo đảm liên thông, kết nối dữ liệu cho 18 bộ, 63 địa phương, phục vụ hơn 1,3 tỷ lượt tra cứu, hơn 537 triệu lượt đồng bộ thông tin.

Gần 3.000 danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của các bộ, ngành, địa phương đã được ban hành. Khối cơ quan nhà nước đã triển khai nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu với mức chia sẻ hơn 81 triệu giao dịch mỗi tháng trong năm 2024. Đồng thời, ứng dụng định danh điện tử VNeID được triển khai đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dân và công tác quản lý nhà nước. Về tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của cả nước tính đến hết ngày 30.11.2024 đạt 45,79%...

Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, đang mang lại hiệu quả tích cực. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đang được tích cực triển khai và thí điểm chia sẻ thông tin dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Tuy đã đạt được những kết quả tích cực như vậy, nhưng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc chuyển đổi số vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Cụ thể, nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu về chuyển đổi số còn hạn chế. Vẫn tồn tại tâm lý chuyển đổi số là việc ở đâu đó, của ai đó, không phải của mình, ở đơn vị, cơ quan mình.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách còn chậm, chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Các bộ, ban, ngành, địa phương cơ bản chưa có đề án đột phá về chuyển đổi số. Chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa cao. Nhiều ứng dụng, hệ thống được phát triển nhưng còn rời rạc, chưa hoàn thiện, chưa hình thành nhiều nền tảng số quy mô lớn, dùng chung.

Các dữ liệu đã hình thành, nhưng còn có sự cát cứ, chưa kết nối, chia sẻ và khai thác hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin. Nhân lực chuyên trách về chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức còn thiếu và chưa đồng đều. Kỹ năng số chưa được phổ cập rộng rãi trong xã hội.

Vậy nên, "Bình dân học vụ số" phải là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là mệnh lệnh của trái tim, là tư duy thông minh của khối óc, hành động quyết liệt của mỗi người dân. Với tinh thần là "đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người" và với phương châm "Triển khai nhanh chóng - Kết nối rộng khắp - Ứng dụng thông minh". Phong trào muốn "sống lâu" thì phải mang lại hiệu quả thiết thực, phải hài hòa lợi ích riêng và lợi ích chung, giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, lợi ích của Tổ quốc - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hieu-qua-thiet-thuc-va-toan-dien-post408824.html