Hiệu quả thư viện thân thiện trường tiểu học

Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Room to Read (RtR), từ năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai xây dựng chương trình 'Thư viện thân thiện (TVTT) trường tiểu học' tại 22 trường tiểu học và THCS thuộc 5 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, các thư viện đã được thiết lập, vận hành, bước đầu đạt được những hiệu quả tích cực.

 Một tiết đọc sách tại thư viện thân thiện Trường Tiểu học Ái Tử, huyện Triệu Phong - Ảnh: T.L

Một tiết đọc sách tại thư viện thân thiện Trường Tiểu học Ái Tử, huyện Triệu Phong - Ảnh: T.L

Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong có quy mô 21 lớp với trên 650 học sinh. Từ năm 2020, dự án “TVTT trường tiểu học” được triển khai tại trường. Trên cơ sở thư viện cũ, Tổ chức RtR đã hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hướng dẫn về thiết lập, cách hoạt động và hỗ trợ một phần đầu sách cho thư viện hoạt động. Cùng với sự hỗ trợ của dự án, nhà trường đã vận động từ nhiều nguồn để xây dựng nguồn sách hay, xây dựng thiết lập thư viện để phục vụ nhu cầu của học sinh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử Bùi Thị Hương Lam cho biết: “Việc xây dựng mô hình “TVTT trường tiểu học” rất có ý nghĩa đối với nhà trường, qua đó góp phần thay đổi việc thiết lập mô hình thư viện cũ. Nếu trước đây thư viện gần như một “kho” chứa sách, thì bây giờ, khi thực hiện mô hình này, thư viện hoàn toàn là một không gian mở để các em thoải mái đến đọc, học tập cũng như giáo viên thuận tiện trong việc hướng dẫn, từ đó tạo nhiều hứng thú cho học sinh khi đến với thư viện. Việc phân loại mã màu sách cũng rất khoa học, học sinh đến thư viện có thể dễ dàng nhận dạng được loại sách mình cần phù hợp với từng lứa tuổi. Kệ sách cũng được đặt vừa tầm để các em tự đến lấy đọc và học tập. Ngoài ra, trong không gian thư viện, học sinh có thể chơi các trò chơi. Do vậy, từ khi xây dựng mô hình TVTT, học sinh đến với thư viện hằng ngày thay vì đến mượn sách về nhà đọc như trước đây. Nhà trường cũng tổ chức tiết đọc tại thư viện, qua đó giúp cô và trò cùng trao đổi, học tập, kể chuyện… cùng các hoạt động bổ trợ khác như vẽ tranh, hay diễn các đoạn kịch nhỏ về các câu chuyện đã đọc được”.

Để xây dựng TVTT tại trường tiểu học, Tổ chức RtR đã triển khai các khóa tập huấn cho cán bộ Ban điều phối, tổ giám sát, hỗ trợ chương trình. Đồng thời, hỗ trợ công tác tập huấn cho các đơn vị trường học với các nội dung như: Thiết lập và quản lý thư viện tiểu học; kỹ thuật tổ chức tiết đọc thư viện; phương pháp huy động sự tham gia của gia đình và cộng đồng; phương pháp duy trì và phát triển bền vững dự án. Cùng với đó, các đơn vị trường học đã cử cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn theo quy định. Đồng thời, tổ chức tập huấn tại trường để giáo viên, nhân viên nắm bắt và thực hiện hiệu quả.

Năm 2019, RtR đã cấp 880 quyển truyện đã được phân theo trình độ đọc để bổ sung thêm vào các kệ sách, 40 sách khổ lớn để tổ chức tiết đọc cho 22 trường được hỗ trợ kỹ thuật. Năm 2021, RtR tiếp tục hỗ trợ cung cấp thêm 2.600 sách mua ở các nhà xuất bản và 1.870 sách khổ lớn, khổ nhỏ cho 26 trường và 26 sách phục vụ tập huấn cho Sở GD& ĐT.

Cán bộ hỗ trợ của RtR cũng phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị trong việc thiết lập và vận hành TVTT để các thư viện tổ chức hoạt động theo đúng kế hoạch. Tổ chức RtR còn cung cấp tài liệu, hướng dẫn các bước trong quá trình xây dựng TVTT cho nhà trường tham khảo để xây dựng hoàn thành đúng tiến độ.

Sở GD&ĐT cũng giao cho các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện TVTT. Đồng thời, tích cực hỗ trợ, tư vấn việc thiết lập và vận hành thư viện; duy trì việc hỗ trợ, giám sát tại các trường hằng tháng từ 1 - 2 lần; chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác huy động sự tham gia của phụ huynh; tổ chức khánh thành, khai trương TVTT tại các trường tiểu học.

Trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục tiểu học hằng năm, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn triển khai thực hiện “TVTT trường tiểu học” đối với các đơn vị tham gia hỗ trợ kỹ thuật; khuyến khích các đơn vị học hỏi, vận dụng mô hình hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường. Ngay sau khi được tham gia các lớp tập huấn về “Thiết lập và quản lý TVTT”, các trường học đã chủ động xây dựng kế hoạch rõ ràng, chi tiết những hạng mục cần thiết để xây dựng và thiết lập hoàn toàn một phòng thư viện mới.

Sau quá trình tích cực triển khai, tại các TVTT, sách được phân loại theo trình độ đọc và trưng bày trên kệ, qua đó giúp học sinh dễ dàng tra cứu, tìm sách phù hợp với trình độ đọc của mình. Môi trường, cách trưng bày cũng phù hợp, trang thiết bị trong thư viện được sắp xếp hợp lý, học sinh di chuyển dễ dàng để chọn sách và vật phẩm. Thư viện có đủ không gian để học sinh tham gia các hoạt động cá nhân, cặp đôi hay nhóm; có lịch mượn, trả sách và thời khóa biểu tiết đọc thư viện.

Ngoài ra, TVTT còn có hệ thống bảng biểu hướng dẫn, đội hỗ trợ giúp việc cho nhân viên thư viện quản lý mượn, trả sách; cán bộ thư viện nhiệt tình, được tập huấn kỹ thuật để quản lý thư viện và đội ngũ giáo viên cũng được tập huấn về kỹ thuật dạy tiết đọc thư viện trước khi triển khai hoạt động.

Sau một thời gian đi vào hoạt động, mô hình “TVTT trường tiểu học” do Tổ chức RtR hỗ trợ đã cho thấy hiệu quả trong việc quản lý, thiết lập, vận hành và hình thành thói quen đọc sách cho học sinh trong các trường tiểu học. Số lượng học sinh thích đọc sách, báo tại thư viện ngày một đông hơn, thường xuyên hơn. Cùng với đó, thư viện đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thú vị, đã thu hút nhiều học sinh và phụ huynh đến đọc; các hoạt động thư viện không những giúp học sinh đọc sách mà góp phần hình thành cho học sinh nhiều thói quen, phẩm chất tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Có thể thấy ưu việt lớn nhất của TVTT là mô hình đã thay đổi hoàn toàn về hình ảnh của thư viện truyền thống trong nhà trường. Từ những “kho” chứa sách ban đầu, thư viện được mở rộng về diện tích, thiết kế sáng tạo, đẹp mắt, tạo ra một không gian, môi trường đọc sách thân thiện với học sinh. Việc xây dựng mô hình cũng nhằm giáo dục cho học sinh thói quen và kỹ năng đọc sách, đồng thời nâng cao nhận thức của phụ huynh về tầm quan trọng của đọc sách đối với con em mình.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=166118&title=hieu-qua-thu-vien-than-thien-truong-tieu-hoc