Hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 24 của BCH T.Ư Đảng khóa IX về công tác dân tộc

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12.3.2003 của BCH T.Ư Đảng khóa IX về công tác dân tộc, tình hình KT-XH, AN-QP trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm, kết cấu hạ tầng được đầu tư cơ bản, điện, đường, trường, trạm cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân; số thôn, xã đặc biệt khó khăn giảm, tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước sạch tăng; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt.

Người dân mua bán bò tại chợ bò Mèo Vạc. ảnh: Huy Ba

Người dân mua bán bò tại chợ bò Mèo Vạc. ảnh: Huy Ba

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể. Qua đó, nhận thức của các

cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở và nhân dân về vấn đề dân tộc từng bước được nâng lên.

Có thể khẳng định, tỉnh ta cơ bản đạt các mục tiêu mà Nghị quyết 24-NQ/TW đề ra: Tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, nhất là đối với các hộ nghèo dân tộc thiểu số; quy hoạch lại các khu dân cư, khuyến khích thực hiện hỗ trợ khai hoang, từng bước giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở. UBND tỉnh đã ban hành Đề án số 1569/QĐ-UBND ngày 7.8.2014 về một số chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, lồng nghép các chương trình phát triển KT-XH, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, giúp 13.885 hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới năm 2018 của tỉnh giảm còn 31,17% hộ nghèo.

Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, tỉnh quan tâm chỉ đạo việc tăng thời lượng và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc thiểu số; chú trọng công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về việc đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các trường học; Đề án về “Bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030”; chỉ đạo các ngành chức năng phục dựng, bảo tồn một số lễ hội truyền thống đang có nguy cơ mai một như: Lễ hội mừng năm mới của dân tộc Giấy, nghi lễ cấp sắc của người Dao, hát Then dân tộc Tày, lễ ra đồng của dân tộc Pu Péo... Toàn tỉnh đã có 104.197 người được qua đào tạo nghề, trong đó có 98.987 người dân tộc thiểu số, chiếm 95%. Từ năm 2010 đến 2018 đã cử 616 học sinh dân tộc thiểu số đi học tại các trường đại học và tuyển sinh 435 học sinh dân tộc nội trú vào các trường nội trú T.Ư.

Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch để củng cố hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gắn với đào tạo, bồi dưỡng; coi trọng và thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ; từng bước thực hiện chuẩn hóa cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở. Cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho con em dân tộc dân tộc thiểu số học tập theo chế độ cử tuyển, dự nguồn, quy hoạch vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; quan tâm bố trí cán bộ là người dân tộc thiểu số có trình độ, năng lực phù hợp với vị trí công tác, tiêu chuẩn chức danh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, có 1.806 cán bộ người dân tộc thiểu số làm việc tại khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có 83/175 đồng chí là người dân tộc thiểu số, chiếm 47,4%; các chức danh trưởng phó phòng cấp tỉnh chiếm 36,4%. Các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện (từ Phó Chủ tịch UBND huyện, thành phố đến Bí thư Huyện ủy, Thành ủy) chiếm 56,8%; các chức danh trưởng, phó phòng, ban cấp huyện chiếm 47,8%. Các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã chiếm 83,5%.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh xác định: Cần tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nội dung và các nhiện vụ giải pháp mà Nghị Quyết 24 đã đề ra; khắc phục những hạn chế, yếu kém sau 15 năm triển khai, thực hiện nghị quyết trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là: Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên và nhân dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để tiếp tục cho đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, các xã giáp biên giới; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân; nâng cao chất lượng GD-ĐT, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh.

Hùng Hiền

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/201911/hieu-qua-thuc-hien-nghi-quyet-so-24-cua-bch-tu-dang-khoa-ix-ve-cong-tac-dan-toc-752605/