Hiệu quả thực hiện nghị quyết về xây dựng cánh đồng lớn ở Triệu Phong
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 28/4/2016 của Huyện ủy Triệu Phong (khóa XIX) 'Về xây dựng cánh đồng lớn, phát triển trang trại, gia trại giai đoạn 2016 - 2020', 5 năm qua, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, huyện Triệu Phong đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch xây dựng cánh đồng lớn, phát triển trang trại, gia trại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây được coi là giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp ở Triệu Phong những năm gần đây.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/HU, việc xây dựng cánh đồng lớn được huyện Triệu Phong gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch xây dựng cánh đồng lớn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi bằng các nguồn vốn, chương trình, dự án. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư liên kết với hợp tác xã (HTX), các hộ nông dân trong phát triển, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Các mô hình đạt tiêu chuẩn được huyện bố trí kinh phí hỗ trợ theo quy định. Trong sản xuất, huyện chỉ đạo các HTX chú trọng ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất; thực hiện mạnh mẽ việc thâm canh, áp dụng các giống và quy trình sản xuất tiên tiến có năng suất, chất lượng cao, giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận; tích cực giám sát, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp, bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh; đẩy nhanh cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất; từng bước bố trí cơ cấu giống lúa và mùa vụ phù hợp với điều kiện từng vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhờ quyết liệt trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-HU, cùng với sự quyết tâm của chính quyền, sự đồng tình hưởng ứng tích cực của người dân, đến nay việc xây dựng cánh đồng lớn ở Triệu Phong đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nếu như năm 2016, toàn huyện chỉ có 4 cánh đồng lớn với tổng diện tích trên 200 ha ở 4 HTX thì đến nay, địa phương đã chuyển đổi và xây dựng triển khai sản xuất cánh đồng lớn ở 48 HTX với tổng diện tích 1.645 ha, trong đó lúa 1.630 ha, vượt 630 ha so với kế hoạch. Từ việc triển khai xây dựng cánh đồng lớn, nhiều khâu sản xuất đã được thực hiện đồng bộ như sử dụng một giống, liền vùng, cùng thời vụ, một quy trình đã được người dân hưởng ứng nhằm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, thuận tiện đưa cơ giới vào trong các khâu sản xuất, thu hoạch.
Ông Bùi Xuân Nguyện, Giám đốc HTX Linh An, xã Triệu Trạch cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU, năm 2017 HTX chúng tôi xây dựng được 1 cánh đồng lớn với diện tích 30 ha, sản xuất cùng một loại giống lúa chất lượng cao là Thiên Ưu 8 cho năng suất bình quân khoảng 60 tạ/ha. Quá trình sản xuất, HTX tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất theo cách thức truyền thống. Thấy cánh đồng lớn có nhiều ưu điểm, đến nay HTX xây dựng thêm được 1 cánh đồng lớn, nâng tổng diện tích hiện có lên 60 ha”.
Sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên được coi là khâu đột phá để huyện Triệu Phong hướng đến nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và phát triển bền vững. Mô hình này được triển khai tại 4 xã Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Trạch với tổng diện tích 45 ha. Qua hơn 5 năm triển khai cho thấy, năng suất lúa bình quân đạt trên 50 tạ/ha, giá bán gấp 1,8 - 2 lần so với lúa canh tác thông thường. Đây là hướng đi đầy triển vọng, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp, sản phẩm được chứng nhận gạo sạch Triệu Phong và được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 sao cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chủ động tìm kiếm liên kết với các trung tâm, doanh nghiệp để hỗ trợ bao tiêu sản phẩm như HTX Quảng Điền, xã Triệu Đại sản xuất 20,8 ha lúa hữu cơ liên kết với Công ty TNHH SXTM Đại Nam bao tiêu sản phẩm; HTX An Lợi, xã Triệu Độ, HTX Triệu Thuận liên kết với Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi Quảng Trị sản xuất 25 ha lúa giống Bắc Thơm số 7 bao tiêu sản phẩm. Giám đốc HTX Triệu Thuận Trần Hữu Tấn cho biết: “Sau 3 năm triển khai, mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ tại HTX có ưu điểm nổi trội là lúa sạch sâu bệnh, năng suất lúa đạt từ 114 - 116 tạ/ha. Đặc biệt, lúa được thu mua ngay tại chân ruộng với giá cao hơn lúa canh tác thông thường khoảng 10%. Với mô hình canh tác này, lúa rất sạch, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và môi trường nên nông dân rất hưởng ứng”.
Thực tế cho thấy, từ việc xây dựng cánh đồng lớn, huyện Triệu Phong đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa tập trung cho năng suất, chất lượng vượt trội. Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Quang Giải cho biết: “Thời gian tới, huyện tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng khai thác tối đa lợi thế từng vùng, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng cánh đồng lớn, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, phát triển trang trại gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của huyện; mở rộng thị trường tiên thụ.
Phấn đấu hằng năm mỗi xã xây dựng mới 1 - 2 cánh đồng lớn chất lượng cao, có liên kết sản xuất. Toàn huyện có 100 - 120 ha lúa canh tác tự nhiên, canh tác theo hướng hữu cơ; có 4 - 5 mô hình trồng trọt theo hướng công nghệ cao, quy mô từ 500 - 1.000 m2. Huyện sẽ có những chính sách hỗ trợ cho các HTX, nhóm hộ dân sản xuất nông sản sạch canh tác theo phương thức tự nhiên về giống, kỹ thuật, nâng cấp nhãn mác, bao bì và kết nối tiêu thụ sản phẩm để duy trì và phát triển bền vững diện tích các giống lúa chất lượng cao. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=154841