Hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở huyện Như Xuân
Là huyện miền núi có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, những năm qua, huyện Như Xuân đã ban hành các phương án, đề án tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Kết quả thực hiện bước đầu cho thấy, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nhiều loại cây trồng, vật nuôi... đưa vào sản xuất đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập của người nông dân.
Chăm sóc cây ăn quả tại xã Cát Tân (Như Xuân).
Thời gian qua, huyện Như Xuân tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Trong đó, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Năng suất, giá trị các loại cây trồng tăng lên đáng kể; diện tích trồng mía, sắn hiệu quả kinh tế thấp được thay thế, chuyển đổi sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, như cây ăn quả, cây cỏ làm thức ăn chăn nuôi, dưa hấu... Chương trình cải tạo vườn tạp được huyện quan tâm chỉ đạo và nhân rộng trên địa bàn. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, toàn huyện cải tạo được hơn 500 ha vườn tạp (chủ yếu chuyển đổi sang trồng cây ăn quả). Bên cạnh đó, tư duy sản xuất của nông dân đã có những chuyển biến tích cực, từ việc tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đến chuyển từ tư duy sản xuất manh mún sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.
Điểm nhấn trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện Như Xuân chính là định hướng xây dựng vùng cây ăn quả tập trung; đồng thời, thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và vận động nhân dân phát triển diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Huyện thực hiện rà soát diện tích đất vườn tạp, đất trang trại và xây dựng vùng cây ăn quả. Tính đến tháng 9-2019, trên địa bàn huyện đã phát triển được 982,86 ha cây ăn quả. Trong đó, diện tích một số loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, như: Ổi 56,4 ha; cam, quýt 193,6 ha; bưởi 117,2 ha... Diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện cho thu nhập bình quân từ 350 triệu đồng/ha trở lên, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân.
Cùng với trồng trọt, huyện Như Xuân còn chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô trang trại, ứng dụng các biện pháp an toàn sinh học và bảo đảm vệ sinh môi trường. Từ năm 2016 đến tháng 9-2019, huyện đã đầu tư hơn 9 tỷ đồng để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi. Trong đó có 7 tỷ đồng hỗ trợ phát triển hạ tầng 2 khu trang trại tập trung quy mô lớn và hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ thí điểm đưa các loại giống vật nuôi mới, bảo tồn các giống địa phương (vịt bầu Thanh Quân, gà ri thả vườn, bò cái sinh sản,...). Các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế và đang từng bước được nhân rộng theo hướng bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu dân cư. Ngoài ra, toàn huyện đã phát triển được 148 trang trại trâu bò; 55 trang trại, gia trại gà; 10 trang trại, gia trại lợn và 23 trang trại, gia trại nuôi dê. Đồng thời, thu hút được 4 doanh nghiệp đầu tư, liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị kinh tế, ổn định thị trường tiêu thụ cho ngành chăn nuôi.
Ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Xuân, cho biết: Phát huy kết quả đạt được trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, chuyển đổi diện tích đất lúa, đất đồi kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, cây ăn quả,... hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, thực hiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ giống, phân bón, thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ; vận động doanh nghiệp, cá nhân chuyển nhượng, tích tụ đất đai để hình thành những vùng sản xuất nông nghiêp tập trung, quy mô lớn. Đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các xã Xuân Hòa, Xuân Bình và Bãi Trành và từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung. Giữ vững và phát huy hiệu quả, chất lượng các sản phẩm đang triển khai bảo hộ chỉ dẫn địa lý, là: “Cam Như Xuân”; “Ổi Như Xuân”; “Tinh bột nghệ Như Xuân” và “Gà Như Xuân” nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; quan tâm phổ biến, hướng dẫn kiến thức tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh nhằm hình thành tư duy sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân.