Hiệu quả thực tế từ linh hoạt hình thức sản xuất

Nhờ có các cơ sở thu mua, chế biến hạt sen mà người dân ở phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa) đã có đầu ra tiêu thụ cho nông sản của mình. Ảnh: MINH DUYÊN

Tùy vào yêu cầu của thị trường, người dân áp dụng chuyên canh rồi chuyển sang đa canh trong sản xuất nông nghiệp hoặc ngược lại, từ đây giúp bà con ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế hộ.

Đa dạng hình thức

Ông Nguyễn Văn Huyên ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), cho biết: Tôi có 4ha đất rẫy. Những năm trước, mía được giá, tôi trồng toàn bộ là mía. Tới khi mía gặp khó, tôi chuyển dần sang trồng sắn, keo lai. Nhờ vậy, gia đình luôn có nguồn thu nhập khá, cuộc sống cũng vì thế ổn định. “Lúc giá mía xuống thấp, nhà máy có hỗ trợ người trồng, song đó chỉ là biện pháp tình thế. Khi giá đường xuống thấp, nhà máy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, mình không thể cứ phụ thuộc nhà máy mãi được. Hội nhập rồi, đâu chỉ có nhà máy mà cả nông dân cũng phải linh hoạt theo cơ chế thị trường”, ông Huyên nói.

Còn bà Nguyễn Thị Hoa ở phường Hòa Hiệp Bắc (TX Đông Hòa) cũng vậy, từ chuyên canh cây lúa, bà chuyển sang đa canh trồng cả sâm nam, sen, dưa hấu, đậu phộng. Theo bà Hoa, làm nông nghiệp phụ thuộc vào thị trường, thời tiết, nên chỉ trông vào hạt lúa thì không khá lên được. Trong khi đó, các cây rau màu khác trồng theo mùa cho hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần cây lúa. Đơn cử, tôi trồng 3.000 gốc sâm nam, đợt nắng nóng này bán được 80.000-100.000 đồng/kg lá, thu về 5 triệu đồng, bằng lãi của cả một vụ lúa đông xuân.

Với ông Trần Ngọc Phú ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) thì ngược lại, ông đang từng bước chuyên canh cây sachi để đưa máy móc công nghệ vào sản xuất tạo ra sản phẩm sachi rang sấy. Theo ông Phú, trước đây, ông trồng cao su, cà phê nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Diện tích sản xuất của gia đình ông không nhiều (5.000m2) làm manh mún, vừa khó sản xuất vừa khó tiêu thụ. Để phát triển kinh tế gia đình, ông chỉ tập trung vào cây sachi và đầu tư máy móc, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường cho nông sản độc quyền này. Nhờ vậy đến nay, ông đã xây dựng thương hiệu hạt sachi rang sấy độc quyền và mở rộng diện tích sản xuất lên hơn 10ha khi thu hút nhiều hộ dân trồng để cung cấp nông sản này cho ông sản xuất.

Phá thế bị động

Ông Phú cho biết thêm: “Tôi chủ động từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ với mong muốn phá bỏ thế bị động khi chỉ sản xuất cung cấp nguyên liệu thô cho thị trường. Gắn bó với sản xuất nông nghiệp hàng chục năm qua, tôi nhận ra rằng, nông dân khó làm giàu được bởi luôn trong tình trạng bị động. Nông dân bị động trước biến đổi của thị trường, thời tiết nên dễ dàng bị thương lái ép giá lúc được mùa hay phải đổ bỏ do không bán được. Nhưng khi có trang thiết bị, nông sản sẽ được bảo quản tốt để chờ giá hoặc chế biến thành các sản phẩm đa dạng mà thị trường cần”.

Chị Nguyễn Thị Hiền Lương ở khu phố Nam Bình 1, phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa) cũng vậy, vừa tự trồng sen vừa mở cơ sở thu mua và tách vỏ hạt sen, rồi chế biến thành các sản phẩm như sen tươi bóc vỏ, bột sen, tim sen nguyên chất… Từ đây, chị không chỉ tiêu thụ được nông sản của gia đình, hàng xóm mà còn tạo thêm thu nhập từ việc làm thời vụ cho chị em trong khu phố. Theo chị Lương, thực hiện đa dạng sản phẩm, người trồng sẽ có nhiều cơ hội tiêu thụ nông sản hơn vì có nhiều đối tượng khách hàng hơn, chứ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào một nguồn như trước. Khi ấy, người trồng, người sản xuất cũng có thể chủ động tìm đối tác tiêu thụ, chứ không còn phải chờ thương lái tới mua nữa.

Còn vợ chồng bà Trần Thị Thanh Hương ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) lại chủ động tiêu thụ cà phê bằng cách mua máy móc về rang sấy và đóng gói tự tiêu thụ. Ngoài ra, gia đình bà còn trồng các loại nông sản khác để đa dạng nguồn thu, tránh phụ thuộc vào một sản phẩm. Bà Hương cho biết: Nhiều năm trồng cà phê, tới mùa thu hoạch, chủ yếu thương lái ở Gia Lai tới mua. Mình phụ thuộc họ về giá cả, thời gian thu hoạch nên chi phí không khéo sẽ bị lỗ hoặc làm công lấy lãi. Để không còn bị động, vợ chồng tôi tự học hỏi kỹ thuật rang sấy cà phê, mua máy móc về đóng gói. Giờ thương lái tới mua, được giá tôi bán, không được giá thì tôi tự chế biến tiêu thụ nông sản của mình. Không chỉ trồng cà phê, tôi còn trồng rau màu, cây ăn trái để có thêm nguồn thu những lúc cà phê gặp khó.

Theo Sở NN-PTNT, đầu ra là lời giải cho bài toán trồng cây gì, sản xuất như thế nào để nông nghiệp mang lại doanh thu cao cho kinh tế hộ. Bà con cần áp dụng linh hoạt giữa đa canh, chuyên canh để phù hợp với yêu cầu của thị trường, tăng khả năng tiêu thụ. Đặc biệt với nhiều nông sản, người dân đang từng bước chủ động đầu ra khi tự nâng cao kỹ thuật, đầu tư chế biến để đa dạng sản phẩm cho nông sản, từ đây thu hút thêm khách hàng, mở rộng tiếp cận thị trường.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/240909/hieu-qua-thuc-te-tu-linh-hoat-hinh-thuc-san-xuat.html