Hiệu quả tích cực từ Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS tại Thanh Hóa
Ca nhiễm HIV đầu tiên phát hiện ở huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa vào tháng 11-1995. Tính đến 31-12-2021 lũy tích người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh là 8.794 người, trong đó số người đang còn sống và quản lý được là 4.457 (3.844 người Thanh Hóa và 613 ở trại giam); 96% (538/559) xã/phường/100% huyện, thị xã, thành phố có người nhiễm HIV. Dịch HIV/AIDS ở Thanh Hóa vẫn trong giai đoạn tập trung ở những người có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy (NCMT), người mua bán dâm, có xu hướng gia tăng ở nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Bệnh nhân điều trị tại cơ sở điều trị methadone Trung tâm Y tế huyện Mường Lát.
Với mục tiêu góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan tới AIDS, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội, năm 2021, Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS tại Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động mang lại hiệu quả tích cực, góp phần đáng kể trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Trong năm, dự án đã triển khai can thiệp giảm hại tại 18 huyện, thị xã, thành phố; điều trị PrEP cho nhóm MSM, cặp dị nhiễm, phụ nữ bán dâm tại 5 phòng khám; can thiệp bằng thuốc methadone tại 27 cơ sở và 14 điểm cấp phát thuốc tại 24 huyện, thị xã, thành phố (trừ Vĩnh Lộc, Như Thanh và Như Xuân); can thiệp bằng thuốc buprenorphine tại 3 cơ sở: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, TP Sầm Sơn và Như Thanh; xét nghiệm sàng lọc HIV tại cơ sở y tế, lưu động, nhóm không chuyên ở 27 huyện, thị xã, thành phố; xét nghiệm trong các trại giam, trại tạm giam; xét nghiệm sàng lọc cho phụ nữ mang thai (PNMT) tại 4 huyện miền núi; xét nghiệm khẳng định HIV tại 12 phòng khẳng định; điều trị ARV tại 34 phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS gồm 26 bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, CDC tỉnh, cơ sở cai nghiện ma túy 1, 4 trại giam, trại tạm giam... Cụ thể, trong năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức truyền thông trực tiếp được 12.975 lượt cho 860.761 lượt người, đặc biệt nhóm MSM tổ chức được 24 buổi truyền thông nhóm nhỏ cho gần 400 người tham dự; 7.669 lượt người được tiếp cận và truyền thông; tư vấn xét nghiệm HIV cho 84.845 lượt người, với 488 trường hợp HIV dương tính, với tỷ lệ dương tính là 0,6%. Trong số người được xét nghiệm HIV, số người NCMT xét nghiệm là 30.362 lượt người, với số lượt dương tính là 326 trường hợp, tỷ lệ dương tính là 66,8%; số vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV xét nghiệm là 1.432 lượt người, với số lượt dương tính là 64 trường hợp, tỷ lệ dương tính là 13,1%; số MSM xét nghiệm là 2.826, với số lượt dương tính là 51 trường hợp, tỷ lệ dương tính là 10,4%. Có 4.074 bệnh nhân đang điều trị ARV; 2.231 người đang điều trị methadone; 40 người điều trị buprenorphine. Dự án tài trợ sàng lọc HIV PNMT cho 4 huyện là Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước và Ngọc Lặc (chỉ có huyện Ngọc Lặc sàng lọc phát hiện 3 PNMT nhiễm HIV), có 36 PNMT nhiễm HIV sinh con được dự phòng lây truyền mẹ con, 36 trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV và đều được dự phòng ARV (trong đó, số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm PCR lần 1 có 18 trẻ, không phát hiện được trường hợp trẻ nào dương tính, 18 trẻ còn lại chưa đến thời gian để làm xét nghiệm PCR lần 1). Hoạt động can thiệp trên nhóm NCMT, được triển khai tại 18 huyện thông qua 160 tuyên truyền viên đồng đẳng nhóm ma túy và 43 cộng tác viên dân số, phụ nữ thôn; đã tiếp cận 6.753 người NCMT, cấp 1.235.102 bơm kim tiêm sạch, giới thiệu được 3.568 người NCMT làm xét nghiệm HIV. Can thiệp trên nhóm MSM với 25 tuyên truyền viên đồng đẳng MSM hoạt động tại các TP Thanh Hóa, Sầm Sơn các thị xã Bỉm Sơn, Nghi Sơn...
Ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc CDC tỉnh, cho biết: Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã thu được những hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất những ca mắc mới, tiếp thêm niềm tin để người nhiễm HIV/AIDS có cuộc sống ổn định, hòa nhập cộng đồng. Năm 2022, dự án tiếp tục triển khai mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi-rút HIV đạt 95%; tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; góp phần loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030; củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; nâng cao năng lực ứng phó COVID-19 và giảm ảnh hưởng của COVID-19 đối với các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Theo đó, sẽ có 3.000 bệnh nhân điều trị methadone; 120 bệnh nhân điều trị buprenorphine; can thiệp trên nhóm NCMT trên 5.200 đối tượng; can thiệp trên nhóm MSM 2.000 người; duy trì điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP cho 850 người; 95% người nhiễm HIV (+) mới được tiếp cận điều trị ARV; 95% người được điều trị ARV có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế; 100% số người nhiễm HIV điều trị ARV được tiếp cận với dịch vụ y tế thanh toán qua bảo hiểm y tế (trừ bệnh nhân ARV trong các trại giam, trại tạm giam, Trung tâm 06 và trẻ em); 100% số PNMT nhiễm HIV và con của họ được điều trị dự phòng lây truyền HIV bằng thuốc ARV...