Hiệu quả tích cực từ mô hình 'Camera an ninh' ở Phú Yên
Trong số những mô hình an ninh trật tự (ANTT) đã được xây dựng và tổ chức hoạt động trên địa bàn Phú Yên thời gian qua, mô hình 'Camera an ninh' đã góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm gắn với đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các địa phương.
Đến nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 62 mô hình “Camera an ninh” gồm 1.424 “mắt thần” lắp đặt tại những nơi tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm tại 62 xã, phường, thị trấn với tổng kinh phí gần 6,8 tỷ đồng, trong đó có 2,6 tỷ đồng huy động xã hội hóa.
Lãnh đạo Công an tỉnh Phú Yên cho biết hệ thống “mắt thần” được kết nối về trụ sở Công an các xã, phường, thị trấn để chủ động giám sát, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoặc trích xuất dữ liệu hình ảnh để truy xét, làm rõ nhiều vụ việc liên quan đến ANTT.
6 tháng đầu năm 2024, mô hình “Camera an ninh” không chỉ hỗ trợ lực lượng Công an phát hiện, giải tán 575 nhóm thanh thiếu niên tụ tập nửa đêm, mờ sáng, gây ảnh hưởng ANTT; 184 tụ điểm đánh bạc nhỏ lẻ… mà còn đấu tranh làm rõ 25 đối tượng tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy; 36 đối tượng trộm cắp; 10 đối tượng cướp, cướp giật tài sản; 1 vụ giết người; 15 vụ cố ý gây thương tích; 32 vụ tai nạn giao thông; giải quyết và xử lý 221 vụ va chạm, vi phạm giao thông đường bộ; 28 vụ vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép; 3 đối tượng tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép và một số trường hợp rải tờ rơi quảng cáo “tín dụng đen”…
Cũng từ mô hình “Camera an ninh”, lực lượng Công an các xã, phường, thị trấn chủ động nắm tình hình ANTT từng góc phố, đường thôn, ngõ xóm; đồng thời đánh giá, dự báo tình hình ANTT để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; nỗ lực thực hiện tốt tiêu chí ANTT trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Trao đổi với PV Báo CAND về mô hình “Camera an ninh” ở những vùng nuôi trồng thủy sản, Thượng tá Huỳnh Hải Phú, Trưởng Công an thị xã Sông Cầu cho biết, địa bàn này được mệnh danh là “thủ phủ tôm hùm”. Đến nay, thị xã Sông Cầu có 3.968 hộ gia đình nuôi tôm cá trong 133.562 lồng thủy sản, tập trung chủ yếu ven vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông; trong đó có 128.298 lồng tôm hùm thịt, 385 lồng tôm hùm giống và 4.879 lồng cá.
“Trong hoạt động điều tra, truy xét hành tung thủ phạm các vụ trộm cắp tôm hùm, cá biển luôn vấp phải nhiều khó khăn trở ngại khi khám nghiệm hiện trường do đối tượng gây án lặn xuống nước, sử dụng dao, kéo cắt lưới lồng tôm, cá. Trong khi đó, vùng đầm, vịnh có nhiều người dân sử dụng xuồng máy, xuồng chèo, thuyền thúng để hành nghề nuôi trồng thủy sản, khai thác tôm, cá trong môi trường tự nhiên giữa tiết trời nắng gió, mưa giông, nửa đêm, mờ sáng. Từ khi triển khai mô hình “Camera an ninh” khu vực nuôi trồng thủy sản, người dân và Công an các xã, phường chủ động giám sát, nâng cao hiệu quả phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm trộm cắp tôm, cá trong lồng bè ở các đầm, vịnh; góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, trong đó nghề nuôi tôm, cá là một trong những thế mạnh ở thị xã Sông Cầu”, Thượng tá Huỳnh Hải Phú thông tin thêm.
Thiếu tá Lê Xuân Huy, Trưởng Công an xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân cho biết, sau gần hai năm lắp đặt 28 “mắt thần” với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương kết hợp vận động người dân, doanh nghiệp đóng góp, mô hình “Camera an ninh” trên địa bàn xã này hoạt động hiệu quả. Điển hình là từ những hình ảnh trích xuất trong dữ liệu camera, Công an xã Xuân Quang 3 phối hợp Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Đồng Xuân lật tẩy hai đối tượng Lê Ngọc Sang (SN 2000, trú ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An), Nguyễn Thành Tín (SN 1990, trú ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An) đã trộm cắp xe máy người dân dựng bên đường; truy xét làm rõ hành tung Duy Phương (SN 1983, trú ở xã Xuân Thọ 2, thị xã Sông Cầu) đột nhập nhà dân trộm cắp nữ trang trị giá 14 triệu đồng.
Đại tá Nguyễn Khỏe, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cho biết, điều đáng ghi nhận là xuyên suốt quá trình xây dựng và tổ chức hoạt động mô hình “Camera an ninh” luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân quan tâm chú trọng, nhiều người dân tự nguyện cho mượn đường truyền mạng viễn thông để chuyển tải hình ảnh từ “mắt thần” về đầu thu dữ liệu; lực lượng Công an các xã, phường, thị trấn khai thác hiệu quả hệ thống camera trong hoạt động bảo vệ ANTT. Tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn chế nên số lượng “mắt thần” chưa phủ kín một số tuyến giao thông, địa bàn cần có sự giám sát từ xa; một số “mắt thần” đã hư hỏng, mất kết nối nhưng chưa có kinh phí sửa chữa kịp thời hoặc chất lượng hình ảnh ban đêm chưa rõ nét; cơ sở hạ tầng kết nối mạng chưa đảm bảo nên đường truyền không ổn định…
“Hiệu quả mô hình “Camera an ninh” đã tác động tích cực đến nhận thức và hành động của người dân trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, do đó các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để duy trì, phát huy và nhân rộng mô hình. Khi xây dựng mô hình, lắp đặt “mắt thần” cần khảo sát phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu bảo vệ ANTT ở mỗi địa phương, bảo đảm tính chủ động, sáng tạo. Công an các xã, phường, thị trấn cần phối hợp linh hoạt giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ từ những dữ liệu hình ảnh khai thác được từ mô hình “Camera an ninh” để thực thi hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm ổn định ANTT, góp phần đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương”, Đại tá Nguyễn Khỏe cho biết thêm.