Hiệu quả tiêm chủng mở rộng ở Yên Bái

Những năm qua, công tác triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã được ngành y tế tỉnh Yên Bái nỗ lực triển khai bằng nhiều giải pháp.

Cán bộ Trạm Y tế thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên tư vấn, khám sàng lọc trước tiêm chủng.

Cán bộ Trạm Y tế thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên tư vấn, khám sàng lọc trước tiêm chủng.

Năm 2024, toàn tỉnh có 98,5% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, 97,5% trẻ được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản mũi 1, 2, 3; 95% số trẻ được tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib); 95,2% trẻ được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi-rubella; 97% phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván...

Việc tiêm chủng cho trẻ diễn ra an toàn, không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng. Kết quả trên cho thấy sự nỗ lực không ngừng của ngành y tế Yên Bái khi tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng Chương trình TCMR trước tình trạng gián đoạn thường xuyên nguồn vắc xin trong nhiều năm trở lại đây.

Để có được kết quả này, hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát đối tượng trong diện tiêm chủng để đề xuất, dự trù vắc xin; lập kế hoạch tiêm vét, tiêm bổ sung cho đối tượng thuộc vùng lõm tiêm chủng. Trung tâm y tế các huyện, thành phố chủ động kiểm tra, giám sát hỗ trợ trạm y tế tuyến xã thực hiện tiêm chủng, quản lý vắc xin, vật tư tiêm chủng, chỉ định tiêm vắc xin và tư vấn trước tiêm chủng, bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Bác sĩ Chuyên khoa II Lại Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Bảo đảm an toàn tiêm chủng là mục tiêu và nguyên tắc quan trọng nhất trong công tác tổ chức tiêm chủng. Hiện nay, 100% cán bộ y tế trước khi tham gia thực hành tiêm chủng đều được tập huấn chuyên môn về quy trình tiêm chủng, theo dõi sau tiêm, cấp chứng chỉ "An toàn tiêm chủng”... Ngoài ra, các cơ sở tiêm chủng đều thực hiện tự rà soát, củng cố và công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng. Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thường xuyên tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra công tác triển khai thực hiện để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và chỉnh đốn lại những tồn tại của cơ sở. Các khâu trong tiêm chủng từ cấp phát, tiếp nhận, bảo quản vắc xin và tổ chức tiêm chủng đều được thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế”.

Trung tâm cũng tích cực, chủ động huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tăng cường truyền thông lợi ích của vắc xin trong phòng chống dịch bệnh, vận động người dân tích cực đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều.

Trong thời gian bị gián đoạn do "đứt gãy” nguồn cung ứng vắc xin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các bệnh trong TCMR nhằm phát hiện sớm ca bệnh để quản lý, xử lý kịp thời không để dịch xảy ra. Đồng thời, tiến hành lập danh sách, quản lý tốt đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi để sẵn sàng tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho đối tượng này.

Ngay khi được cấp vắc xin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm đã khẩn trương tiếp nhận và nhanh chóng phân bổ, cấp phát ngay cho các đơn vị; ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai theo quy định, đồng thời tổ chức tiêm cả vào ngày cuối tuần.

Ngoài các điểm tiêm tại trạm y tế, cán bộ y tế địa phương còn tiếp tục triển khai ở các điểm tiêm ngoài trạm, nhà cộng đồng, đồng thời, tăng thêm số ngày tiêm chủng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đưa con em đi tiêm chủng. Đặc biệt, từ tháng 12/2024, Yên Bái đã đưa vắc xin Rota vào Chương trình TCMR cho trẻ dưới 1 tuổi để chủ động phòng bệnh tiêu chảy cấp do vi rút Rota. Trong tháng đầu tiên triển khai, tỷ lệ uống vắc xin Rota cho trẻ 2 tháng tuổi đạt 88,5% (948/1.071 trẻ).

Chị Hà Thị Lý ở xã Suối Bu, huyện Văn Chấn chia sẻ: "Trước đây, nếu muốn sử dụng vắc xin Rota phải đưa con đến trung tâm xã Cát Thịnh - nơi có điểm tiêm chủng dịch vụ, vừa đi lại xa, vừa tốn kém chi phí nên đứa đầu của gia đình không được sử dụng vắc xin này. May quá, bây giờ vắc xin này có trong TCMR miễn phí, lại ngay gần nhà nên tôi đã đưa cháu thứ hai đi uống vắc xin để con được bảo vệ sức khỏe”.

Cùng với sự vào cuộc của các ngành, các địa phương, mỗi gia đình cũng cần có trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, bảo đảm quyền lợi được chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ của trẻ em, góp phần giảm thiểu sự lưu hành các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn tỉnh.

Hoài Anh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/265/345478/hieu-qua-tiem-chung-mo-rong-o-yen-bai.aspx