Hiệu quả tín dụng chính sách ở Bắc Kạn
Xác định giảm nghèo là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương; Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, trong đó có việc tập trung huy động, đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân...
Tập trung mọi nguồn lực
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Côn, người con của vùng căn cứ cách mạng Chợ Đồn đã có 2 thập niên gắn bó với tổ chức tín dụng đặc thù này chia sẻ, giai đoạn năm 2010 trở về trước, nền kinh tế của Bắc Kạn là nền kinh tế thuần nông, kết cấu hạ tầng giao thông chậm phát triển, đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, điển hình có đến 2 trong 64 huyện nghèo nhất nước là Ba Bể, Pác Nặm và hàng trăm thôn, bản thuộc vùng III - vùng đặc biệt khó khăn.
Cũng vào thời điểm trên, các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững được ban hành; cấp ủy, chính quyền địa phương đã kịp thời nắm bắt thời cơ, huy động các cấp, các ngành, tập trung mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực của NHCSXH để triển khai các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập.

Người dân khó khăn ở Bắc Kạn luôn có sự đồng hành của cán bộ NHCSXH. Ảnh: D. Dư
Giám đốc Hà Sỹ Côn cho biết, đến ngày 31.3.2025, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã và đang thực hiện 12 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn đạt 3.528 tỷ đồng, tăng 22,5 tỷ đồng so với cuối năm 2024. Toàn bộ nguồn vốn do Trung ương cấp, kể cả 137.27 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương chuyển sang đã được các phòng giao dịch thuộc NHCSXH Bắc Kạn kịp thời chuyển đến tay từng đối tượng thụ hưởng thông qua hệ thống Điểm giao dịch xã với mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn bản, cụm dân cư, giúp người dân có vốn chủ động xuống đồng, lên rừng vào vụ sản xuất, tạo nguồn thu.
Những con số trên cho thấy sự nỗ lực của NHCSXH tỉnh Bắc Kạn trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp huy động được nguồn vốn lớn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống của đông đảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả hộ mới thoát nghèo. Đồng thời, là minh chứng cho việc cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở vùng núi cao phía Đông Bắc bộ đã quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Khơi thông dòng chảy tín dụng
Dòng chảy tín dụng chính sách luôn được khơi thông trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, đã góp thêm gam màu sáng cho bức tranh kinh tế - xã hội địa phương.
Trong 5 năm qua, doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đạt hơn 4.836.903 triệu đồng với 97.276 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp sức thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn về giảm nghèo những năm gần đây có kết quả tốt, trung bình từ 2% - 2,5% mỗi năm; các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm mạnh hơn từ 4% - 5%.
Đơn cử, tại Pác Nặm, là một trong 2 huyện nghèo của tỉnh Bắc Kạn, nhờ có nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ kịp thời, làm "đòn bẩy" cho nhiều gia đình đồng bào dân tộc vươn lên phát triển kinh tế, thoát cảnh nghèo túng; như hộ anh Lý Văn Kiều, tổ Nà Vài, xã Nghiên Loan, đã khởi nghiệp thành công trong chăn nuôi trâu bò với số tiền vốn 50 triệu đồng từ NHCSXH; hộ anh Hoàng Tiến Hồng, thôn Khâu Vai, xã Bộc Bố cũng vay 100 triệu đồng từ NHCSXH để chăn nuôi ngựa sinh sản, đến nay, đàn ngựa đã tăng lên 5 con, trở thành mô hình chăn nuôi thành công của Bộc Bố.
Hay như gia đình anh Nông Văn Nghiệp ở thôn Nà Lẹng, xã Yên Mỹ, huyện Chợ Đồn, cũng đã thoát nghèo nhờ đồng vốn của NHCSXH; anh Nghiệp cho biết, năm 2020 gia đình được hỗ trợ 1 con trâu từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; sau đó, anh mạnh dạn vay thêm từ NHCSXH 60 triệu đồng mua thêm 8 con bò, đầu tư chuồng trại, trồng cỏ để phát triển chăn nuôi. Đàn trâu, bò sinh sản phát triển tốt qua mỗi năm, có thêm vốn anh tìm hiểu và bắt đầu mô hình nuôi nhím và đầu tư trồng rừng, đem lại thu nhập ổn định.
Không chỉ ở Pác Nặm hay Chợ Đồn, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ kín miền núi cao rộng gần 5.000km2, với 100% hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc khó khăn đã và đang được tiếp cận thuận lợi với chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Qua đó cho thấy, sự đồng lòng, quyết tâm giúp dân giảm nghèo của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như của NHCSXH Bắc Kạn trong việc tập trung huy động các nguồn lực về một đầu mối để tạo lập vốn, đồng thời vừa mở rộng, vừa tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ và và địa phương.
Chia sẻ về kế hoạch hoạt động của Chi nhánh, Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Côn cho biết, sẽ tiếp tục tích cực triển khai Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30.10.2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo "cùng cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", "cùng cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau", "cán bộ ngân hàng rèn đức, luyện nghề, say sưa sáng tạo"; nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, giữ vững vai trò là điểm sáng, là trụ cột trong công cuộc giảm nghèo bền vững, xứng đáng là cán bộ ngân hàng "thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ" hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc trên vùng cao Bắc Kạn.