Hiệu quả tín dụng chính sách xã hội ở huyện nghèo Mường Khương

Sau 10 năm (2014 - 2024) thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, hoạt động tín dụng chính sách ở huyện nghèo Mường Khương có nhiều khởi sắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cũng như giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tháng 5/2023, hộ ông Thào Seo Páo ở thôn Cùng Lũng, xã Dìn Chin được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mường Khương giải ngân vay 100 triệu đồng để đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản. Đối với một hộ nghèo như hộ ông Páo, đây là số tiền lớn và rất quan trọng giúp gia đình có nguồn lực để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, sớm thoát nghèo. Ông Páo cho biết: Được vay vốn với số tiền lớn, lãi suất ưu đãi, thời gian trả nợ kéo dài đến 5 năm nên gia đình rất mừng. Sau khi được ngân hàng giải ngân vốn vay, gia đình tôi đã mua 1 cặp bò và 1 cặp trâu sinh sản, đến nay đã có thêm 1 con bê và 1 con nghé. Hiện gia đình đã trả nợ được ngân hàng 30 triệu đồng.

 Kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hộ ông Thào Seo Páo.

Kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hộ ông Thào Seo Páo.

Dù không phải hộ nghèo, nhưng năm 2019, gia đình ông Sùng Seo Sấn ở thôn Tả Lủ, xã Tả Ngài Chồ cũng đã được vay 50 triệu đồng theo Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh về sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay phát triển kinh tế - xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên, trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025. Với gia đình ông Sấn, dù số tiền được vay không lớn nhưng đã giúp gia đình ông có thêm nguồn lực để mua cây quýt giống và phân bón khi vào vụ sản xuất. Ông Sấn chia sẻ: Do đất canh tác lớn nên gia đình thiếu vốn để phủ kín diện tích cây quýt. Trong lúc khó khăn về nguồn vốn, được trưởng thôn thông báo, gia đình đã làm thủ tục vay vốn Ngân hàng CSXH theo Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh để mua cây giống và phân bón.

Năm 2023, gia đình ông Sấn đã thu trái ngọt trên diện tích cây quýt được trồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH. “Vụ đầu tiên thu hoạch, gia đình tôi để ra được 30 - 40 triệu đồng. Vụ năm nay, quả sai hơn, dự kiến sẽ thu được gấp 2 lần vụ năm trước. Sau khi trả hết nợ ngân hàng, gia đình tôi sẽ tiếp tục vay vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao thu nhập”, ông Sấn cho hay.

 Mô hình trồng quýt từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách của hộ ông Sùng Seo Sấn.

Mô hình trồng quýt từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách của hộ ông Sùng Seo Sấn.

Mô hình phát triển kinh tế của hộ ông Páo, ông Sấn là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của tín dụng chính sách tại huyện nghèo Mường Khương. Theo kết quả rà soát, điều tra hộ nghèo năm 2023, trên địa bàn huyện Mường Khương có 4.711 hộ nghèo, chiếm 33,19%; 3.825 hộ cận nghèo, chiếm 26,94%; 1.512 hộ có mức sống trung bình, chiếm 10,65%. Do vậy, khi Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư được triển khai, cấp ủy, chính quyền địa phương đã bám sát nội dung chỉ đạo, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần quan tâm triển khai thực hiện, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính từ các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng CSXH, để người dân, nhất là người nghèo, vùng nghèo, khu vực kinh tế nông nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện vay vốn đầu tư sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Điều đáng nói, mặc dù là huyện nghèo nhưng cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn đặc biệt đã quan tâm huy động, tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội thông qua việc bố trí ngân sách huyện chuyển sang Ngân hàng CSXH để ủy thác cho vay, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Ông Nguyễn Lương Sơn, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường Khương -

Tính đến 31/3/2024, dư nợ cho vay đạt 50,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh chuyển về là 43,5 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang là 7,114 tỷ đồng, với 795 hộ được vay vốn. Nguồn vốn cho vay tập trung vào các hộ có nhu cầu vay vốn để mở rộng kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp trồng cây ăn quả, trồng rừng sản xuất.

Thông qua vốn tín dụng chính sách đã giúp 25.816 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Mường Khương được vay vốn. Nhờ đó, hàng chục nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh, sửa nhà, cho con đi học… góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân, từng bước thoát nghèo.

 Giải ngân kịp thời vốn vay chính sách tới người dân.

Giải ngân kịp thời vốn vay chính sách tới người dân.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị 40, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; chỉ đạo, giám sát việc bình xét các đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay hiệu quả.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/hieu-qua-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-o-huyen-ngheo-muong-khuong-post384964.html