Hiệu quả tổ hợp tác cho vay vốn ở Cốc San
Thôn Luổng Đơ, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) có 157 hộ, với 635 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Giáy. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, thôn đã nỗ lực vươn lên, đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những mô hình hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân nơi đây là Tổ hợp tác cho vay vốn do bà Nùng Thị Siu, Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Luổng Đơ phụ trách.
18 năm qua, trong vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác cho vay vốn của thôn, bà Siu cùng 2 người trong thôn đã góp phần đưa số vốn vay lãi suất thấp của Nhà nước tới tay những người thực sự cần, không để xảy ra nợ lãi, nợ xấu, góp phần nâng cao uy tín của tổ chức hội.
Bà Nùng Thị Siu cho biết: Hơn 36 năm sống ở vùng đất này và gần 20 năm làm công tác đoàn thể ở thôn, tôi hiểu rõ từng hoàn cảnh. Gia đình nào thực sự khó khăn, cần giúp đỡ, gia đình nào chăm chỉ, gia đình nào cần quan tâm nếu cho vay… tôi đều nắm rõ và dựa vào quy định của chính sách để hỗ trợ cho vay với số vốn phù hợp, đồng thời theo sát việc sử dụng vốn của người dân.
Năm 2019, gia đình ông Lý Văn Tố ở thôn Luổng Đơ được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tạo việc làm, do Tổ hợp tác cho vay vốn của thôn hỗ trợ. Với số vốn vay này, gia đình ông Tố đã xây dựng mô hình trang trại du lịch sinh thái, gồm dịch vụ tắm lá thuốc, dịch vụ câu cá và ẩm thực… Sau hơn 3 năm, kinh tế gia đình ông Tố ngày càng phát triển, thu hút nhiều khách.
Ông Lý Văn Tố tâm sự: Thời gian đầu gây dựng mô hình, gia đình gặp không ít khó khăn, nhất là về vốn. Nhờ số tiền được Tổ hợp tác cho vay vốn của thôn hỗ trợ, gia đình phần nào giải quyết được khó khăn trước mắt và có điều kiện phát triển lâu dài. Đầu năm 2021, gia đình tôi được vay thêm 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh để đầu tư nuôi thêm cá chép lai. Tôi sẽ cố gắng duy trì và phát triển mô hình để sớm hoàn vốn.
Hiện tại, mô hình trang trại sinh thái của gia đình ông Tố mỗi ngày có khoảng 10 - 15 khách đến tham quan và sử dụng dịch vụ. Với 80 nghìn đồng/người/lượt tắm lá thuốc, trung bình mỗi tháng gia đình ông thu nhập hơn 20 triệu đồng (đã trừ chi phí). Ao cá chép của gia đình ông hiện đã có thể cho thu hồi vốn với khoảng 4 - 5 tấn cá thịt, nhưng chủ yếu để phục vụ khách sử dụng dịch vụ câu cá và thưởng thức các món ăn chế biến ngay tại đây. Ngoài ra, ông Tố còn nuôi 50 con lợn thịt...
Không chỉ giúp người dân trong thôn được vay vốn phát triển kinh tế, Tổ hợp tác cho vay vốn do bà Siu phụ trách còn hỗ trợ các hộ ở 2 thôn lân cận là Luổng Láo 1 và Ún Tà vay vốn. Nhờ đó, nhiều hộ khó khăn có điều kiện vươn lên, trong đó, nhiều gia đình được vay vốn dành cho sinh viên để có điều kiện nuôi con học tập đầy đủ.
Tới nay, Tổ hợp tác cho vay vốn của thôn Luổng Đơ đang hỗ trợ 35 hộ (thuộc 3 thôn) vay vốn, với tổng số vốn cho vay gần 1,7 tỷ đồng. Vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả cao và hoàn vốn đúng thời hạn.
“Chúng tôi đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động của Tổ hợp tác cho vay vốn thôn Luổng Đơ do bà Nùng Thị Siu phụ trách. Nhờ có những cách làm sáng tạo, hiệu quả cùng sự tận tâm trong công việc, Tổ hợp tác cho vay vốn của thôn Luổng Đơ đã góp phần quan trọng giúp nhiều hộ trong thôn được vay vốn phát triển kinh tế, cho con học tập, vươn lên làm giàu. Chúng tôi sẽ tuyên truyền và nhân rộng mô hình này để địa phương có thêm những tổ hợp tác cho vay vốn hiệu quả”, bà Lê Thị Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cốc San cho biết.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352174-hieu-qua-to-hop-tac-cho-vay-von-o-coc-san