Hiệu quả trong công tác tuyên truyền đẩy lùi nạn tảo hôn
Hội LHPN huyện Sông Hinh thường xuyên tuyên truyền về vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho phụ nữ (ảnh chụp trước khi có dịch COVID-19). Ảnh: NGỌC LY
Vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã tồn tại như một tập quán cố hữu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nó không những vi phạm pháp luật, mà còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội.
Những năm qua, dù chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhưng thực trạng này vẫn tồn tại gây ra nhiều hệ lụy.
Tuyên truyền thay đổi nhận thức
Theo báo cáo của huyện Sông Hinh, những năm trước đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện diễn ra rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Tỉ lệ tảo hôn của các DTTS rất cao, lên đến 26,6%. Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này có thể kể đến như: Điều kiện tự nhiên - xã hội nhiều bất lợi; trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết pháp luật của đại đa số đồng bào DTTS ở nơi đây còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật tới người dân còn hạn chế; phong tục tập quán lạc hậu và ăn sâu, bám rễ lâu đời ở một số DTTS; đời sống kinh tế - xã hội khó khăn, nghèo đói…
Trước thực trạng đó, để giúp hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ người đồng bào DTTS tiếp cận các chính sách pháp luật, Hội LHPN huyện Sông Hinh và các xã, thị trấn phối hợp, triển khai nhiều chương trình, xây dựng các mô hình giáo dục pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ, nhất là phụ nữ DTTS, vùng sâu, vùng xa.
Hội LHPN huyện Sông Hinh cũng đã tích cực tư vấn, truyền thông trực tiếp, cử cán bộ đến từng nhà vận động nhằm giảm tối đa tình trạng kết hôn sớm và sinh con khi chưa đến tuổi trưởng thành của phụ nữ, đặc biệt là vận động chị em người DTTS thay đổi tư duy, cách nghĩ về DS-KHHGĐ, từ đó giảm dần tình trạng tảo hôn.
Chị Nay Hờ Nhơn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sông Hinh, cho biết: “Trong công tác tuyên truyền nội dung này, hội tập trung cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật về độ tuổi kết hôn; những điều cấm trong hôn nhân; về tác hại và hậu quả của tảo hôn cho hội viên, phụ nữ có con từ 15-17 tuổi. Qua đó giúp họ có thêm kiến thức, hướng dẫn con em mình không kết hôn sớm”.
Hội LHPN huyện Sông Hinh cũng đã chỉ đạo các cơ sở hội lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng như hậu quả, tác hại và những hệ lụy của vấn nạn này, để hội viên, phụ nữ không ép hôn, hứa gả con khi chưa đủ tuổi quy định. Chị Nay Hờ Lan ở xã Ea Bia nói: “Hàng tháng, hàng quý, cán bộ phụ nữ xã đều có những buổi nói chuyện với chị em phụ nữ về Luật Hôn nhân và Gia đình, những nguy hiểm của việc kết hôn sớm hay kết hôn với người cùng huyết thống. Chúng tôi cố gắng tiếp thu và không để xảy ra những tình trạng trên, ảnh hưởng đến sức khỏe của con cháu sau này”.
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện còn chú trọng xây dựng, nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ, nhóm, mô hình, câu lạc bộ (CLB) liên quan đến việc phòng chống nạn tảo hôn tại các xã, thị trấn trên toàn huyện như các CLB Phòng chống bạo lực gia đình, Xây dựng gia đình hạnh phúc, Nuôi dạy con khỏe, ngoan, Trợ giúp pháp lý; các mô hình Địa chỉ tin cậy, Không thách cưới, Phụ nữ DTTS nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống....
Giúp người dân đẩy lùi hủ tục
Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe, tinh thần, môi trường giáo dục, kinh tế - xã hội, đặc biệt là làm suy giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Đây là một trong những rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS nói riêng và sự phát triển bền vững của tỉnh nói chung.
Để giúp người dân hiểu và bài trừ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, Hội LHPN huyện Sông Hinh và các xã, thị trấn đã tích cực tư vấn, truyền thông trực tiếp, đến từng nhà vận động, thay đổi tư duy, cách nghĩ của chị em, từ đó giảm dần tình trạng kết hôn sớm và sinh con khi chưa đến tuổi trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ DTTS.
Ông Ksor Y Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bar cho biết: Để ngăn chặn, giảm tối đa tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xã đã phối hợp với các thôn buôn đưa các vấn đề này vào quy ước thôn, buôn; không chứng nhận kết hôn cho các trường hợp không đủ tuổi.
Chị Nay Hờ Nhin ở buôn Bầu, xã Ea Bá thổ lộ: “Mình nghỉ học từ năm lớp 9. Năm 17 tuổi, mình cưới chồng, giờ có con gái 6 tuổi rồi. Hai vợ chồng mình chỉ làm nông, nên kinh tế gia đình còn khó khăn. Sau khi tham gia mô hình Phụ nữ DTTS nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, mình nhận thấy tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là không tốt. Mình sẽ về tuyên truyền, giải thích để bà con trong làng biết, không để con cái phải kết hôn sớm như mình và cũng để không còn ai kết hôn cận huyết thống”.
Nhìn chung, người đồng bào DTTS hiện nay đã hiểu được những tác hại, nguy cơ của việc kết hôn cận huyết thống, nhưng tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra. Để ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng tảo hôn rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, các đoàn thể ở địa phương. Đồng thời công tác truyền thông phải sát với tình hình thực tế, tăng cường đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền dễ hiểu, dễ thực hiện để những câu chuyện buồn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Sông Hinh nói riêng, trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh không còn xảy ra.
Để ngăn chặn, giảm tối đa tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xã đã phối hợp với các thôn buôn đưa các vấn đề này vào quy ước thôn, buôn; không chứng nhận kết hôn cho các trường hợp không đủ tuổi.
Ông Ksor Y Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bar