Hiệu quả trong phối hợp tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm trên địa bàn TP Đà Nẵng
Qua 5 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT và 4 năm thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành số 01/2019/LN-QCPH, công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan liên ngành TP Đà Nẵng ngày càng hiệu quả, đi vào nền nếp, bảo đảm kịp thời, đúng pháp luật.
Ngày 17/10, VKSND TP Đà Nẵng vừa phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT và sơ kết 4 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 01/2019/LN-QCPH ngày 2/4/2019 về công tác phối hợp trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm và ký kết quy chế sửa đổi, bổ sung năm 2023.
Tham dự hội nghị có đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, đồng chí Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đồng chí Lương Công Tuấn - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng, đồng chí Huỳnh Duy Phúc – Phó Trưởng Ban nội chính Thành Ủy Đà Nẵng, đồng chí Tăng Hoàng Hôn Thắm – Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng.
Tham dự hội nghị còn có đại diện các đồng chí đại diện lãnh đạo và cán bộ, công chức 12 cơ quan liên ngành tham gia ký quy chế.
Tại hội nghị, VKSND TP Đà Nẵng đã trình chiếu phóng sự báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT và sơ kết 4 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 01/2019/LN-QCPH ngày 2/4/2019 về công tác phối hợp trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm.
Theo đó, qua 5 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT và 4 năm thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành số 01/2019/LN-QCPH, công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan liên ngành TP Đà Nẵng ngày càng hiệu quả, đi vào nề nếp, bảo đảm kịp thời, đúng pháp luật.
Về công tác tiếp nhận, phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, từ ngày 1/12/2017 đến ngày đến 1/12/2022, tổng số nguồn tin tội phạm tiếp nhận, phân loại là 8.726 tin, đã giải quyết 8.497 tin (đạt tỷ lệ trên 97%), quyết định khởi tố vụ án 4.634 tin, cơ bản đều theo đúng quy định của pháp luật.
Từ khi Quy chế phối hợp số 01/2019/LN-QCPH được ký kết, công tác phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm trên địa bàn thành phố được tăng cường. Các cơ quan liên ngành ngày càng chủ động hơn trong việc phân loại, chuyển nguồn tin về tội phạm và hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết, cũng như việc thông báo cho Viện kiểm sát để thực hành quyền công tố, kiểm sát, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Hầu hết các nguồn tin về tội phạm đều được phát hiện, vào sổ theo dõi, phân loại, chuyển Cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, hạn chế được tình trạng vụ việc xảy ra nhiều ngày nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng hoặc không được giải quyết theo trình tự, thẩm quyền. Nhiều nguồn tin về tội phạm, sau khi xác định có dấu hiệu hình sự, đã kịp thời khởi tố vụ án để điều tra, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Các nguồn tin về tội phạm không có dấu hiệu hình sự đều được giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục hoặc không để quá hạn giải quyết.
Việc thống kê, báo cáo liên ngành tư pháp thành phố đầy đủ, chính xác; những khó khăn, vướng mắc trước đây về việc giải quyết các nguồn tin về tội phạm phức tạp, kéo dài đã được giải quyết; các hạn chế, thiếu sót đến nay phần lớn đã được chấn chỉnh, khắc phục. Các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được VKS kiểm sát chặt chẽ và phê chuẩn kịp thời. Hồ sơ điều tra ban đầu mà cơ quan liên ngành chuyển sang Cơ quan điều tra đều được tiếp nhận, tiến hành xác minh, giải quyết theo quy định của pháp luật, đảm bảo việc giải quyết được nhanh chóng, đúng pháp luật. Đối với những vụ, việc phức tạp thì kịp thời tổ chức họp liên ngành để bàn, thống nhất hướng giải quyết.
Đặc biệt, liên ngành thành phố đã phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, các vụ việc liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận, chỉ ra những kết quả đã đạt được đồng thời thẳng thắn nêu ra những tồn tại vướng mắc trong công tác phối hợp về tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan liên ngành thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích mà các cơ quan liên ngành thành phố đạt được trong hơn 5 năm qua. Đồng thời, cho rằng những kết quả đó cho thấy chất lượng tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của các cơ quan được nâng cao, công tác phối hợp liên ngành được tăng cường.
Dự báo tình hình kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp hơn; các loại tội phạm có xu hướng gia tăng với quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp, nguy hiểm, manh động; các loại tội phạm mới xuất hiện ngày càng nhiều. Điều đó đặt ra nhiệm vụ và yêu cầu cao hơn nữa đối với các cơ quan liên ngành thành phố trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Do đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới… Chấp hành nghiêm Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 23-3-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ. Đặc biệt là Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 22-3-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố…
Song song đó, lãnh đạo liên ngành các cơ quan TP Đà Nẵng cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế phối hợp một cách thực chất, hiệu quả, tuân thủ đúng các nguyên tắc đề ra, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra. VKSND TP Đà Nẵng với vai trò là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp các cơ quan liên ngành theo dõi, kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện quy chế phối hợp liên ngành mới, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế...
“Ngoài việc phối hợp giữa các cơ quan theo quy chế, các ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan trong khối nội chính, các cơ quan Đảng, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của nhân dân trong công tác này, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng bộ và chính quyền thành phố.
Đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung giải quyết tốt các vụ án, vụ việc do Ban Thường vụ Thành ủy, Ban chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, các vụ việc dư luận xã hội quan tâm để điều tra, truy tố và đưa vụ án ra xét xử kịp thời, phục vụ tốt tình hình chính trị tại địa phương.
Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình hiện nay. Cũng như, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, thay mặt lãnh đạo các cơ quan liên ngành, đồng chí Nguyễn Văn Quang - Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và các ban, ngành đối với công tác phối hợp giữa các cơ quan liên ngành trong thời gian vừa qua.
Đồng chí Nguyễn Văn Quang thay mặt liên ngành tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đồng thời đề nghị các cơ quan liên ngành trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, phục vụ cho sự ổn định và phát triển của TP. Cùng với đó, các đơn vị có các biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phối hợp về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, để đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội, giữ gìn sự nghiêm minh của pháp luật; góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.