Hiệu quả trồng rừng thâm canh
LCĐT - Những năm qua, người dân huyện Bảo Thắng đã có chuyển biến tích cực trong kỹ thuật canh tác rừng sản xuất. Nông dân đã chuyển dần từ trồng rừng quảng canh phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên sang đầu tư thâm canh. Các công đoạn chọn lọc, gieo ươm giống được chuẩn bị kỹ. Sau khi trồng chú trọng khâu chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật, nhờ đó rừng phát triển nhanh, sinh khối lớn.
Trước đây, gia đình ông Trần Quốc Bình ở thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà trồng rừng theo kiểu “nhờ trời” - chỉ trồng xuống đất rồi chờ thu hoạch, không bón phân, ít chăm sóc, tỷ lệ cây sống thấp, sinh trưởng không đồng đều, chu kỳ khai thác kéo dài và năng suất rừng không cao. Nguồn thu từ việc trồng rừng không đáng kể nên gia đình ông ít chuyên tâm với việc trồng rừng. Năm gần đây, ông đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng rừng ở huyện Bắc Hà (Lào Cai), huyện Văn Yên (Yên Bái) và đúc rút được kinh nghiệm rằng, 2 yếu tố quan trọng nhất trong trồng rừng đạt hiệu quả kinh tế cao là giống tốt và chăm sóc đúng quy trình.
Áp dụng những kinh nghiệm tích lũy được vào sản xuất, đến nay, gia đình ông Bình có hơn 40 ha rừng quế xanh tốt. Ông Bình tâm sự: Điều đầu tiên phải chọn cây giống tốt. Thứ hai chú trọng các khâu trồng và chăm sóc từ xử lý thực bì, đào hố, bón lót, trồng đúng mật độ, đến định kỳ làm cỏ, bón phân cho cây. Đầu tư trồng rừng thâm canh chi phí trong 5 năm khoảng 10 đến 15 triệu đồng/ha (còn trồng rừng quảng canh khoảng 2 đến 3 triệu đồng/ha), nhưng lợi nhuận gấp 1,5 lần so với trồng rừng quảng canh.
Theo tính toán của các chuyên gia lâm nghiệp, nếu cùng trồng rừng chu kỳ 7 năm với loại gỗ thông thường, mỗi ha canh tác theo phương pháp thâm canh cho giá trị từ 50 đến 70 triệu đồng, còn canh tác đơn thuần (quảng canh) chỉ cho thu từ 30 đến 40 triệu đồng. Thấy rõ hiệu quả đó, những năm qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng theo phương pháp thâm canh.
Khi trồng rừng thâm canh, các biện pháp kỹ thuật được tiến hành đồng bộ, từ phát, đốt, dọn thực bì tiêu diệt mầm bệnh; cây giống còn nguyên bầu đất, ươm trên 5 tháng tuổi, sạch bệnh; mật độ trồng thích hợp là 1.600 đến 2.000 cây/ha; đến việc phân bón lót, bón thúc hằng năm có cả phân chuồng và phân NPK; khâu làm đất phải chú ý cải tạo được địa hình có lợi cho việc giữ và thấm nước. Nông dân còn đưa cơ giới vào các khâu trong sản xuất lâm nghiệp như cày đất, đào hố, vận chuyển cây giống, phân bón, nhiều hộ còn lắp máy bơm tưới nước cho cây mới trồng. Nhờ đó, tỷ lệ sống của phương pháp trồng rừng thâm canh đạt gần 100%, cây sinh trưởng và phát triển nhanh. Bên cạnh các biện pháp trồng và chăm sóc cho cây rừng sinh trưởng và phát triển tốt, các biện pháp bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng cũng được quan tâm, như làm đường ranh cản lửa, thường xuyên thăm rừng, kịp thời ngăn chặn các tình huống gây cháy rừng có thể xảy ra.
So với trồng rừng quảng canh, lợi nhuận từ trồng rừng thâm canh cao hơn từ 1,5 đến 2 lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Điều này có được là do chu kỳ trồng rừng thông thường được rút ngắn từ 10 năm xuống còn 5 đến 7 năm, trong khi năng suất tăng gần 1,5 lần so với trồng rừng quảng canh.
Với việc thực hiện giải pháp trồng rừng thâm canh dựa trên cơ sở áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp và liên hoàn, không chỉ nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, mà còn bồi dưỡng được chất đất, đảm bảo sản xuất an toàn, môi trường đất không bị khai thác cạn kiệt, từ đó bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu trồng rừng ổn định lâu dài và bền vững.
Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, để trồng rừng thâm canh trên quy mô lớn cũng gặp những khó khăn như: Hầu hết diện tích rừng thường ở xa khu dân cư, việc vận chuyển phân bón, chăm sóc rừng tốn nhiều công; các hộ trồng rừng kinh tế còn khó khăn, nên chưa có vốn đầu tư chăm sóc rừng thường xuyên.
Lào Cai có hơn 378.000 ha đất có rừng, trong đó diện tích rừng trồng sản xuất hơn 110.000 ha. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng thâm canh không nhiều nên năng suất rừng trồng đạt thấp. Hiện giá trị rừng trồng đạt khoảng 35 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 2.355 tỷ đồng/năm, trong khi con số này có thể tăng thêm nhiều lần nếu thâm canh rừng tốt.
Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để khai thác tốt thế mạnh về lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng thì đầu tư thâm canh rừng là giải pháp tối ưu. Trong đó, đối với cây quế, loài cây đang chiếm ưu thế trong trồng rừng sản xuất thì ngoài trồng đúng kỹ thuật, thì cần trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ để cho giá trị bền vững; đối với các loài cây lấy gỗ (keo, mỡ, bạch đàn, xoan...) cần chú trọng trồng theo tiêu chuẩn FSC nhằm nâng cao giá trị rừng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Cùng với đó cần triển khai nhiều giải pháp thiết thực và đồng bộ, trong đó cần có cơ chế và chính sách phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích người dân tự nguyện đầu tư, chăm sóc rừng. Cần có chính sách giúp người trồng rừng tiếp cận vốn, khoa học - kỹ thuật, thị trường… để họ yên tâm sản xuất. Người dân cũng cần chủ động, linh hoạt trong sản xuất để nâng cao thu nhập.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359059-hieu-qua-trong-rung-tham-canh