Hiệu quả từ áp dụng mô hình IPHM trên cây lúa

Ngày 30-8, tại xã Tân Trung, TP. Gò Công, tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) phía Nam, Cục BVTV - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây lúa trong vụ hè thu năm 2024.

Các đại biểu tham quan mô hình.

Các đại biểu tham quan mô hình.

Trước đây, nông dân vùng Gò Công có xu hướng sạ dày, bón thừa phân đạm và phun xịt thuốc trừ sâu nhiều. Được sự chỉ đạo của Cục BVTV, Trung tâm BVTV phía Nam đã triển khai mô hình IPHM trên cây lúa để thay đổi nhận thức của nông dân về hệ sinh thái đồng ruộng cũng như hiểu rõ hơn về mô hình này.

Trong mô hình IPHM, nông dân gieo sạ với lượng giống 120 kg/ha, bón phân theo công thức N-P-K (90-60-30) kết hợp với bón lót 200 kg/ha phân hữu cơ. Bên ngoài mô hình, nông dân sạ với lượng giống 160 kg/ha, bón phân theo công thức N-P-K (120-40-30) và không bón phân hữu cơ.

So với ruộng ngoài mô hình, ruộng áp dụng mô hình IPHM có mật độ sâu hại thấp, trên đồng ruộng xuất hiện nhiều loài thiên địch. Sâu bệnh tuy có xuất hiện, nhưng ở mức độ nhẹ và không cần phải xử lý thuốc BVTV. Năng suất cuối vụ đạt 6,85 tấn/ha tương đương so với ngoài mô hình IPHM đạt 6,71 tấn/ha.

Kết quả mô hình IPHM trên có được nhờ giảm giống (40 kg/ha), giảm phân đạm (30 kg/ha); tăng cường bón phân hữu cơ nên cây khỏe chống chịu với sâu bệnh nhất là sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn và cháy bìa lá. Điều này giúp giảm số lần và chi phí phun thuốc BVTV.

Về hiệu quả kinh tế, so với ruộng ngoài mô hình, ruộng IPHM có chi phí đầu tư gần 16 triệu đồng/ha (giảm hơn 1,8 triệu đồng). Tổng thu gần 48 triệu đồng/ha (tăng 980.000 đồng), lợi nhuận đạt gần 32 triệu đồng/ha (tăng hơn 2,8 triệu đồng).

Ngoài ra, trong mô hình IPHM đã bố trí 3 thí nghiệm về giảm mật độ gieo sạ, giảm lượng đạm tăng cường phân hữu cơ và cắt lá lúa giả lập sâu cuốn lá gây hại trên đồng ruộng. Kết quả các thí nghiệm trình diễn cũng đã thuyết phục nông dân thấy được hiệu quả của việc giảm lượng giống, giảm phân đạm tăng cường phân hữu cơ, giảm phun thuốc trừ sâu mà vẫn đảm bảo được năng suất.

Mô hình đã giúp giảm chi phí cho nông dân, tăng lợi nhuận, đặc biệt nhất là bảo vệ môi trường trong sạch cho địa phương. Ông Bùi Văn Xem, nông dân xã Tân Trung có 1,1 ha đất áp dụng IPHM cho biết, đã giảm lượng giống, phân bón và số lần phun thuốc trừ sâu so với trước đây. Qua đó, ông đã tiết kiệm chi phí đầu tư được khoảng gần 2 triệu đồng.

“Khi sử dụng phân bón như mô hình này, cây lúa ra rễ khỏe không xảy ra bệnh nhiều nên cũng không phải phun thuốc nhiều. Ban đầu bón lót, chúng tôi cũng không tin tưởng lắm nhưng khi thí nghiệm rồi thấy rất hiệu quả, chúng tôi rất thích. Vùng đất này nhiều phèn với mặn, khi có lân xuống cây lúa không bị ngộ độc phèn. Bộ rễ lúa phát triển rất khỏe, lúa phát triển tốt không bị bù lạch tấn công” - ông Xem chia sẻ.

Theo Trưởng Phòng BVTV - Trung tâm BVTV phía Nam Nguyễn Minh Thư, so với các mục tiêu đề ra, mô hình bước đầu đã thành công. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai ở các địa phương khác để nhân rộng mô hình này ra khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Cục BVTV.

T. ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202408/hieu-qua-tu-ap-dung-mo-hinh-iphm-tren-cay-lua-1019985/