Nga hạn chế xuất khẩu vật liệu chiến lược, phương Tây hứng hậu quả ra sao?

Tổng thống Nga Putin đã yêu cầu chính phủ xem xét việc hạn chế xuất khẩu các vật liệu chiến lược như niken, titan và urani để ứng phó với hành động không thân thiện của các quốc gia phương Tây.

Xưởng luyện kim của nhà máy Niken Norilsk ở Nikel, Nga. Ảnh: Sputnik International

Xưởng luyện kim của nhà máy Niken Norilsk ở Nikel, Nga. Ảnh: Sputnik International

Các nhà đầu tư và chuyên gia thị trường đang xôn xao về chỉ thị của Tổng thống Nga gửi cho Thủ tướng Mishustin yêu cầu lập báo cáo về các biện pháp mà Nga có thể thực hiện để hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản chiến lược nhằm ứng phó với chính sách trừng phạt của phương Tây. Giá cổ phiếu uranium tăng đột biến ngay lập tức và các nhà quan sát cảnh báo về tình trạng thiếu hụt cũng như giá tăng mạnh đối với các kim loại chiến lược nếu Moskva tiến hành các biện pháp hạn chế.

Cùng với niken, titan và uranium, Tổng thống Putin ám chỉ rằng các nguồn tài nguyên "khác" có thể bị ảnh hưởng, đồng thời nhấn mạnh rằng các hạn chế nên được xem xét miễn là "điều này không gây hại cho chúng ta".

Đài Sputnik đã phỏng vấn các chuyên gia đầu tư chuyên về thị trường tài nguyên về tác động của những hạn chế này đối với nền kinh tế thế giới.

Nga - siêu cường tài nguyên

Là một siêu cường về tài nguyên, Nga được ban tặng nguồn dự trữ đáng kể về hầu như tất cả các mặt hàng chính cần thiết để duy trì hoạt động của nền kinh tế hiện đại.

Quốc gia này sở hữu tới 12% trữ lượng dầu mỏ của thế giới, 32% khí đốt tự nhiên, 8% tổng trữ lượng uranium chưa khai thác và 11% trữ lượng than của hành tinh.

Nga còn chiếm 25% trữ lượng sắt toàn cầu, 33% niken, 15% kẽm và titan, 11% thiếc, 10% chì và rhodium, 8% crom, 7% đồng, 3% coban, 2% bô-xít và khoảng 1% gali, cộng với một lượng lớn berili, bismuth và thủy ngân. Nga cũng có khoảng 12% kali toàn cầu (được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp và hóa chất công nghiệp đến dược phẩm).

Chưa hết, nước này sở hữu lên đến 23% trữ lượng vàng của thế giới, 12% bạc, chiếm 1/5 kim loại nhóm bạch kim và tới 55% kim cương nằm dưới lòng đất Nga.

Nga cũng là quốc gia có tiềm năng dẫn đầu thế giới về sản xuất khoáng sản đất hiếm (được sử dụng trong nhiều thiết bị công nghệ cao hiện đại, hệ thống thông tin liên lạc và vũ khí tiên tiến).

Mặc dù hiện nay chỉ chiếm khoảng 2% sản lượng đất hiếm, Nga có trữ lượng lớn thứ hai, lên tới 28,7 triệu tấn và đã cam kết đầu tư lớn vào sản xuất và chế biến. Các loại đất hiếm được biết đến mà Nga sở hữu bao gồm samarium, europium, gadolinium, lanthanum, neodymium, promethium và cerium.

Sự phụ thuộc của thế giới vào tài nguyên của Nga

Những người chỉ trích Nga thường cường điệu việc xuất khẩu tài nguyên của nước này như một dấu hiệu cho thấy sự phát triển chậm chạp hoặc vị trí thấp của quốc gia này trong hệ thống phân cấp toàn cầu về các quốc gia “phát triển so với kém phát triển”.

Tuy nhiên, sự đổ vỡ một phần trong mối quan hệ với các nước phương Tây sau năm 2022 cho thấy rằng, trong khi Nga chắc chắn có thể tồn tại mà không cần hàng tiêu dùng và công nghệ của phương Tây, thì điều tương tự không thể xảy ra với phương Tây khi nói đến dầu mỏ, khí đốt, uranium, phân bón và các vật liệu khác của Nga.

Ví dụ, Mỹ vẫn tiếp tục dựa vào uranium của Nga để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân của mình, cam kết sẽ chỉ dừng vào năm 2028. Châu Âu, sau khi phần lớn đã cắt đứt nguồn cung khí đốt tự nhiên giá rẻ và đáng tin cậy từ Nga qua đường ống, hiện đang mua khối lượng kỷ lục khí đốt hóa lỏng (LNG) của Nga trong bối cảnh nguồn cung từ Mỹ và vùng Vịnh đang thiếu hụt.

Hơn nữa, các nhà sản xuất nông nghiệp lớn của phương Tây bao gồm Mỹ, Đức, Pháp và Ba Lan đã tự tạo ra những ngoại lệ đặc biệt cho mình để tiếp tục mua phân đạm đẳng cấp thế giới của Nga.

Đường ống dẫn khí Nord Stream tại thị trấn Lubmin của Đức. Ảnh: Sputnik International

Đường ống dẫn khí Nord Stream tại thị trấn Lubmin của Đức. Ảnh: Sputnik International

“Nỗi đau” của việc Nga đóng băng xuất khẩu tài nguyên chiến lược “sẽ được cả Mỹ và EU, và tất cả các quốc gia được liệt kê là ‘không thân thiện’ với Nga, cảm nhận, vì họ sẽ phải lấy các thành phần cần thiết từ các nhà cung cấp của nước thứ ba, và điều đó sẽ kéo theo mức tăng giá đáng kể cho mặt hàng này, và kéo theo chi phí chuỗi cung ứng mở rộng”, Paul Goncharoff, tổng giám đốc công ty tư vấn Goncharoff LCC, bình luận về đề xuất của Tổng thống Putin.

“Trong trường hợp này, hầu hết nếu không muốn nói là tất cả các nhà cung cấp thay thế sẽ là các quốc gia được liệt kê là ‘thân thiện’ với Nga. Đây là lợi ích có giá trị gia tăng cho các quốc gia đó”, ông Goncharoff nói thêm.

Ông nhấn mạnh: “Trong mọi trường hợp, người dùng cuối phải trả hóa đơn thuế bắt buộc này dưới hình thức lạm phát thậm chí còn cao hơn”, ám chỉ rằng giá hàng hóa cao hơn sẽ làm tăng thêm nỗi đau mà các nhà sản xuất và người tiêu dùng ở nhiều nước phương Tây đang phải gánh chịu.

Mỹ và châu Âu có thể lường trước chi phí nhập khẩu tài nguyên chiến lược sẽ tăng 15-20% nếu Moskva tiếp tục áp dụng các hạn chế, đặc biệt là vì Nga đang ở vị thế độc nhất trên toàn cầu trong sản xuất niken chất lượng cao, titan cấp hàng không và urani làm giàu, theo ông Maxim Khudalov, chiến lược gia trưởng tại Vector X, một công ty đầu tư và môi giới có trụ sở tại Moskva.

Ví dụ, trong khi Nga hiện nay chỉ chiếm khoảng 8% tổng sản lượng niken toàn cầu, thì nước này lại chiếm khoảng 20% sản lượng "niken cao cấp dùng để sản xuất thép không gỉ chất lượng cao và hợp kim chứa niken, vốn cần thiết cho công nghệ vũ trụ, hàng không và quốc phòng", ông Khudalov giải thích.

Ông cho biết điều tương tự cũng đúng với titan chất lượng cao, chỉ ra rằng gã khổng lồ titan của Nga VSMPO-AVISMA ở vùng Sverdlovsk là "độc nhất trên thế giới" về khả năng sản xuất số lượng lớn titan cấp độ hàng không.

Máy bay Airbus A330 của UAE cất cánh tại sân bay Manchester, Anh. Ảnh: Sputnik International

Máy bay Airbus A330 của UAE cất cánh tại sân bay Manchester, Anh. Ảnh: Sputnik International

Việc tìm kiếm nhà cung cấp thay thế sẽ mất thời gian, bao gồm cả việc phải trải qua quá trình kiểm tra chất lượng và an toàn cũng như chứng nhận lại có thể mất nhiều năm, và trong trường hợp titan cấp hàng không, cần phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về nhiệt độ, độ uốn, tải áp suất và các yêu cầu khác.

Vị chuyên gia này giải thích: "Trên máy bay, bạn không thể chỉ nói 'Ồ, tôi không thích nhà cung cấp này về một thành phần được sử dụng cho cánh, tôi sẽ lấy nó từ nơi khác'. Không có điều gì như vậy cả. Nếu bạn thay thế bộ phận được sử dụng trong cánh, bạn sẽ phải thay đổi máy bay và phải kiểm tra lại vì nó không còn an toàn cho mục đích dân sự nữa”.

Nếu châu Âu mất quyền tiếp cận titan cấp hàng không của Nga, điều đó sẽ làm tăng chi phí sản xuất của Airbus, ảnh hưởng đáng kể đến gã khổng lồ hàng không này trong cuộc cạnh tranh có rủi ro cao với Boeing.

Trong khi đó, chi phí niken cao hơn sẽ đồng nghĩa là giá cao hơn đối với hầu hết các sản phẩm công nghệ cao của châu Âu, từ thiết bị điện tử đến các sản phẩm kỹ thuật cơ khí chuyên dụng - ông Khudalov cho biết.

Xe tải chở các thùng chứa urani để sử dụng làm nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân tại một cảng ở St. Petersburg, Nga. Ảnh: Sputnik International

Xe tải chở các thùng chứa urani để sử dụng làm nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân tại một cảng ở St. Petersburg, Nga. Ảnh: Sputnik International

Với urani làm giàu, tình hình thậm chí còn phức tạp hơn, vì đây là nguồn tài nguyên hạn chế thường được xuất khẩu cho một khách hàng cụ thể cho một mục đích sử dụng cụ thể và việc lập kế hoạch thay thế các nhà cung cấp là một quá trình dài và tỉ mỉ, vì các nhà máy điện hạt nhân không thể chỉ đơn giản là bật và tắt theo ý muốn.

Chuyên gia Khudalov nói: “Pháp là quốc gia đứng thứ hai sau Nga về làm giàu urani, nhưng công nghệ làm giàu của Nga vượt trội hơn hẳn so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới và chi phí làm giàu của chúng tôi rẻ hơn 35-40% so với bất kỳ nơi nào trên thế giới. Vì vậy, nếu một quốc gia buộc phải chuyển sang vật liệu có nguồn gốc từ Pháp, quốc gia đó sẽ phải trả thêm một khoản chi phí lớn”.

Pháp có thể đáp ứng nhu cầu gia tăng của Mỹ theo thời gian, nhưng không phải ngay lập tức, vì họ sẽ phải tăng cường năng lực làm giàu của chính mình.

Ông Khudalov lưu ý rằng, trong ngắn hạn, Nga có thể mất một chút doanh thu xuất khẩu nếu xuất khẩu tài nguyên sang phương Tây đột nhiên bị cắt giảm.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Sputnik)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nga-han-che-xuat-khau-vat-lieu-chien-luoc-phuong-tay-hung-hau-qua-ra-sao-20240914182355756.htm