Hiệu quả từ các chương trình tín dụng ưu đãi
Hơn 56 nghìn lượt hộ dân được vay vốn phát triển kinh tế
(HNM) - Nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh thành phố Hà Nội đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo hay những cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương. Đồng thời, nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn, hiệu quả cao được hình thành và nhân rộng.
Người dân làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Việt Linh
Là thương binh, ông Khuất Tiến Minh, ở xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ), gặp nhiều vất vả trong cuộc sống, lại thêm khó khăn bởi cả gia đình chỉ trông vào mấy sào lúa. Thông qua Hội Cựu chiến binh xã, đầu năm 2019, ông Minh được Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh thành phố Hà Nội (Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố) tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng. Từ đồng vốn đó, ông Minh đầu tư vườn cây ăn quả với gần 100 gốc bưởi và các loại cây khác như ổi, vú sữa... "Mô hình mới được triển khai nhưng hứa hẹn cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Khi những gốc bưởi đủ năm, cho quả chất lượng thì gia đình sẽ có cả trăm triệu đồng mỗi năm” - ông Khuất Tiến Minh kỳ vọng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Bộ, ở xã Tích Giang, có 3 sào cây ăn quả gồm bưởi, ổi… cho thu nhập ổn định. “Tháng 10-2018, thông qua Hội Cựu chiến binh xã, gia đình tôi được Ngân hàng Chính sách thành phố cho vay 20 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. Từ số vốn này, tôi đã mở rộng mô hình trồng cây ăn quả ngắn ngày kết hợp nuôi gà. Đến nay, mô hình vườn cây đa canh cho hiệu quả cao, đời sống gia đình được cải thiện rõ rệt. Thời gian tới, gia đình mong muốn tiếp tục được vay thêm vốn để mở rộng sản xuất” - ông Bộ chia sẻ.
Thực tế, những năm gần đây, các chương trình tín dụng cùng "sự đỡ đầu" của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể bước đầu đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo và phát triển kinh tế. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ) Kiều Duy Dung cho biết: Hiện dư nợ cho vay các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tại xã Sen Chiểu do Hội quản lý đạt 957 triệu đồng với 27 hộ còn dư nợ. Thông qua ủy thác cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Cựu chiến binh xã đã giúp nhiều gia đình chính sách có vốn đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Không riêng huyện Phúc Thọ, đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã giúp rất nhiều hộ nông dân trên toàn thành phố phát triển kinh tế. Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Phạm Văn Quyết cho biết: Ngân hàng đang triển khai 17 chương trình tín dụng. Tính riêng 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ ủy thác qua các hội, đoàn thể của Ngân hàng đạt 7.872 tỷ đồng với hơn 235.000 hộ vay tại 7.477 tổ tiết kiệm và vay vốn có dư nợ, chiếm tỷ trọng 99,5% tổng dư nợ toàn ngân hàng, tăng 678 tỷ đồng (8,6%) so với năm 2018. Trong đó, Hội Nông dân có dư nợ ủy thác 1.964 tỷ đồng với hơn 62.000 hộ vay; Hội Phụ nữ có dư nợ ủy thác 4.439 tỷ đồng với gần 132.000 hộ vay; Hội Cựu chiến binh có dư nợ ủy thác 1.146 tỷ đồng với 32.000 hộ vay...
Để giúp nông dân thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn, phát triển kinh tế, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Phạm Văn Quyết cho rằng, Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện cần chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương cân đối, bố trí ngân sách, chuyển vốn sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn năm 2019. Bên cạnh đó có kế hoạch cân đối, bố trí vốn ủy thác cho vay năm 2020; tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư, tổ chức kinh tế, huy động vốn thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn...