Hiệu quả từ các mô hình nông lâm kết hợp
Thực hiện Dự án 'Thúc đẩy và mở rộng nông lâm kết hợp hướng theo thị trường và các giải pháp phục hồi rừng cho vùng Tây Bắc Việt Nam', Tổ chức nghiên cứu Nông lâm Quốc tế tại Việt Nam (ICRAF) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai các mô hình nông lâm kết hợp cảnh quan và mô hình phục hồi rừng, góp phần thúc đẩy và mở rộng các hệ thống nông lâm kết hợp theo thị trường để bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế và tăng cường quản lý rừng và cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Được triển khai từ năm 2015, mô hình nông lâm kết hợp tổng hợp 50 ha của 29 hộ dân tại bản Nà Ban, xã Hát Lót được Dự án tư vấn, hỗ trợ xây dựng vườn ươm cây giống, ghép cải tạo vườn tạp, hỗ trợ phân bón, giống cây trồng và tư vấn kỹ thuật sản xuất mô hình nông lâm tổng hợp. Sau gần 7 năm thực hiện, các hộ gia đình tham gia dự án đều duy trì và phát triển tốt mô hình nông lâm trồng cây ăn quả - cỏ và trồng xen cây hàng năm trên đồi đất dốc, cải tạo đất, đem lại sinh kế và chống biến đổi khí hậu.
Trước khi tham gia mô hình, gia đình anh Lò Văn Lịch, bản Nà Ban, xã Hát Lót có 1,3 ha đồi đất dốc chỉ trồng cây lương thực hoặc cây hàng năm, sau nhiều năm canh tác đất dần bị rửa trôi, xói mòn, năng suất cây trồng giảm, hiệu quả kinh tế không cao. Được tuyên truyền, vận động, gia đình anh nhất trí chuyển đổi sang mô hình nông lâm tổng hợp trồng cây ăn quả - cỏ voi và trồng xen cây trồng hàng năm. Anh Lịch chia sẻ: Tham gia dự án, chúng tôi đã xây dựng mô hình vườn ươm cây giống, chủ động sản xuất, cung ứng giống cây ăn quả cho các hộ tham gia. Với kiến thức được tư vấn, các hộ thực hiện trồng cây ăn quả, cây cách cây 5m, hàng cách hàng 5m, trồng đường băng cỏ ghine cải tạo đất và áp dụng các biện pháp canh tác (trồng xen, trồng gối, phủ xanh, phủ khô, làm ruộng bậc thang dần...) nâng cao hiệu quả canh tác, đa dạng thu nhập cho các hộ dân, phát triển trồng trọt bền vững. Thấy rõ nhất là đất được cải thiện rõ rệt, đem lại lợi ích kinh tế lâu dài. Hiện nay, diện tích đất đồi của gia đình tôi đã được phủ xanh nhãn, xoài. Ngoài ra, gia đình còn trồng xen cỏ ghine để phục vụ nuôi 5 con trâu, thu nhập hàng năm của gia đình đạt gần 200 triệu đồng.
Còn tại bản Nà Hạ, xã Hát Lót, năm 2021 là năm đầu tiên Dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nông, lâm kết hợp được triển khai tại 10 hộ, trên 15 ha đồi đất dốc. Anh Lò Văn Cương, bản Nà Hạ, cho biết: Tôi đăng ký thực hiện trên 4 ha đồi đất dốc của gia đình. Được dự án hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gia đình đã trồng mới 4 ha nhãn, trồng đường băng cỏ và trồng xen sắn cao sản. Mới chỉ năm đầu nhưng đã cải tạo đất, thay vì chỉ có thu nhập một loại sản phẩm nhất định, mô hình đem lại thu nhập đa dạng, rất phù hợp cho các hộ có ít vốn. Như năm nay, diện tích sắn cao sản trồng xen, dự kiến tổng sản lượng khoảng 120 tấn, thu nhập đạt khoảng 200 triệu đồng.
Dự án “Thúc đẩy và mở rộng nông lâm kết hợp hướng theo thị trường và các giải pháp phục hồi rừng cho vùng Tây Bắc Việt Nam” tại địa bàn tỉnh Sơn La được triển khai theo 2 giai đoạn (giai đoạn 1 từ 2012-2017; giai đoạn 2 từ 2018-2021) cho gần 200 hộ các huyện Mai Sơn, Vân Hồ và Quỳnh Nhai, Thuận Châu. Dự án đã xây dựng 3 vườn ươm tại huyện Mai Sơn, 20 mô hình nông lâm kết hợp, như: Nhãn muộn - ngô - cỏ, sơn tra - ngô - cỏ chăn nuôi, mac ca - cà phê - đậu đỗ... Ngoài ra, Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo và tạo điều kiện cho các hộ tham gia dự án tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất mô hình nông, lâm kết hợp và nông lâm tổng hợp ở một số tỉnh thành lân cận. Dự án hỗ trợ cây giống ăn quả, cây trồng rừng, giống cỏ, phân bón để các hộ triển khai sản xuất, đồng hành tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để các hộ áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hiệu quả.
Ông La Nguyễn, Giám đốc Dự án nông lâm kết hợp và sinh kế nhỏ tại Tây Bắc Việt Nam, đánh giá: Sau 2 giai đoạn triển khai Chương trình nông lâm kết hợp, những mô hình triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La đều phát triển tốt, hiệu quả. Đến hết năm 2021, Dự án kết thúc, tuy nhiên chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đồng hành với tỉnh, huyện để tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật vẫn duy trì tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ tham gia dự án.
Những mô hình nông lâm kết hợp và phục hồi rừng đã đem lại lợi ích lâu dài về môi trường, cải thiện chất lượng đất, kiểm soát xói mòn, cũng như che bóng, chắn gió, mưa, sương muối cho những cây trồng tán dưới, đặc biệt đa dạng các nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, giúp các hộ xoay vòng vốn sản xuất, cải thiện thu nhập gia đình.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hieu-qua-tu-cac-mo-hinh-nong-lam-ket-hop-46552