Hiệu quả từ các mô hình phát triển kinh tế ở Dào San

Từ một xã khó khăn của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nhờ sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh thông qua các chương trình hỗ trợ chính sách, ưu đãi phù hợp, xã Dào San đang ngày càng phát triển, vươn lên giảm nghèo bền vững, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế ở vùng biên.

Dào San đang phát triển trở thành vùng nguyên liệu hàng hóa. Ảnh: Ái Vân

Dào San đang phát triển trở thành vùng nguyên liệu hàng hóa. Ảnh: Ái Vân

Dào San là xã vùng cao, có đường biên giới dài 7,5km, địa hình tương đối phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán của bà con còn lạc hậu, nhận thức còn hạn chế. Việc áp dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chậm đổi mới. Người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Đảng và Nhà nước, chưa có ý thức tự giác vươn lên trong cuộc sống. Các thế lực thù địch luôn âm mưu "diễn biến hòa bình", lợi dụng tuyên truyền đạo trái pháp luật, lôi kéo một số bộ phận bà con. Với những nhận định về khó khăn như vậy, Đảng ủy, UBND xã Dào San đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, nhất là về phát triển kinh tế, xã hội cho bà con.

Để thực hiện những kế hoạch đã đề ra, với tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều đảng viên trên địa bàn xã Dào San đã phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi phát triển kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập, qua đó, xuất hiện thêm nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu do đảng viên làm chủ. Như Lý A Phử, ở Dền Thàng A là một trong những thanh niên tiêu biểu học tập và làm theo Bác, chăn nuôi hỗn hợp phát triển kinh tế gia đình, hàng năm thu nhập hàng trăm triệu đồng; hay Vàng A Phừ, ở Dền Thàng B và Sùng An Chứ, ở Lành Chư với mô hình trồng dâu tây cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trong đó có anh Lý A Phử, bản Dề Thàng A, xã Dào San là một thanh niên tiêu biểu, gương mẫu trong các phong trào thi đua sản xuất. Để phát triển kinh tế, anh Phử vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi gia súc từ trâu, bò, lợn, hươu và trồng trọt các loại cây ăn quả. Năm 2024, anh được hỗ trợ xây dựng chuồng trại theo Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh. Từ mô hình phát triển kinh tế này, anh Phử có nguồn thu nhập tốt, ổn định cuộc sống. Mô hình phát triển kinh tế của anh Phử bước đầu khẳng định tính hiệu quả, hướng đi đúng đắn, từ đó, xã giới thiệu, tuyên truyền cho các đoàn viên, thanh niên khác học tập, nhân rộng, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội hộ gia đình, chung tay xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Anh Lý A Phử chia sẻ: "Bản thân là đoàn viên thanh niên, lúc nào cũng phải gương mẫu đi trước cho bà con học tập và noi theo. Trong những năm trở lại đây, tôi thấy đời sống bà con trong bản được cải thiện hơn, nhiều hộ đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt và phục vụ cho sản xuất".

Còn tại bản Dền Thàng B có 196 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu, 100% là người đồng bào dân tộc Mông. Thực hiện Quyết định số 1160 ngày 18/10/2016 của Huyện ủy Phong Thổ về Đề án phát triển kinh tế các xã vùng cao biên giới, huyện Phong Thổ giai đoạn 2016-2020, thông qua các Chương trình 30a, 135, bà con trong bản được định hướng trồng các loại giống cây ăn quả mới chất lượng cao như cây lê VH6, cây đào được hơn 50ha, sản lượng đạt trên 240 tấn mỗi năm, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá thế độc canh cây trồng truyền thống, giúp nhân dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi phương thức sản xuất, tự cung, tự cấp sang cung ứng hàng hóa ra thị trường, từ đó, bà con có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.Anh Giàng A Chu, Bí thư Chi bộ bản Dền Thàng B, xã Dào San cho biết: "Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động cho bà con nhân giống các loại cây giống có năng suất cao. Hiện tại, Nhà nước hỗ trợ giống cây chanh leo, cây lê cho người dân tăng gia sản xuất và chúng tôi đã trồng được khoảng 24ha".

Với nguồn nước trong lành, khí hậu ôn hòa là điều kiện thuận lợi để trồng lúa tẻ sâu. Đến nay, xã Dào San đã trồng được trên 36ha, nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, lúa cho năng suất bình quân 55 tạ/ha. Lúa tẻ sâu từng bước khẳng định vị thế trong phát triển nông nghiệp, có giá trị cao gấp đôi so với các loại gạo thông thường khác, được đông đảo bà con trong xã tham gia hưởng ứng, mở rộng diện tích trồng loại gạo đặc sản này. Đặc biệt, từ nhiều năm nay, toàn bộ sản phẩm gạo tẻ sâu đều được bao tiêu đầu ra ổn định bán với giá trên 15.000 đồng/kg thóc khô, đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân, giúp xóa đói giảm nghèo bền vững,

Gia đình anh Sùng A Của, ở bản Hợp 1, xã Dào San thông tin, mỗi năm, anh gieo hơn 50kg giống lúa tẻ sâu. Anh cho biết, giống lúa tẻ sâu cho năng suất cao, ít sâu bệnh, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của địa phương và quan trọng nhất là đầu ra của gạo tẻ sâu luôn ổn định, giá thành cao...

Mô hình chăn nuôi của anh Lý A Phử. Ảnh: Ái Vân

Mô hình chăn nuôi của anh Lý A Phử. Ảnh: Ái Vân

Có thể thấy, sau nhiều năm triển khai các chương trình, nghị quyết đúng đối tượng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân đã mang lại hiệu quả thiết thực, trở thành động lực giúp bà con vùng cao mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước cải thiện thu nhập. Đây là cơ sở quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, làm nền tảng thúc đẩy kinh tế, xã hội của xã, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người dân. Bên cạnh đó, nhân dân xã Dào San luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của huyện và sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, huyện. Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích xây dựng hạ tầng cơ sở. Các chương trình dự án hạ tầng nông thôn, các chính sách cho đồng bào dân tộc, các công trình xây dựng cơ bản được đầu tư kịp thời, góp phần thúc đẩy tình hình phát triển kinh tế, xã hội của xã. Nhân dân đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, hỗ trợ nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên làm giàu.

Ông Vương Biên Thùy, Chủ tịch UBND xã Dào San cho biết: "Trong thời gian qua, chúng tôi đã tìm ra hướng đi thích hợp cho Dào San. Dào San có vùng đất canh tác tương đối rộng lớn, màu mỡ, do đó, Dào San hoàn toàn có thể phát triển thành vùng hàng hóa tại địa phương. Có nhiều mô hình phát triển kinh tế được thực hiện hiệu quả ở Dào San như trồng dâu tây, nuôi ong, nuôi sâu tre, trồng chanh leo, trồng lê, hoặc nuôi lợn, hươu, có thu nhập 200 đến 300 triệu đồng/năm... Ngoài ra, còn có các mô hình quy mô trang trại, trồng dược liệu, sâm, cây dong riềng, sắn... đều cho thu nhập cao".

Với kết quả đạt được trong đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, chủ yếu là các loại cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày, chất lượng hiệu quả; các mô hình chăn nuôi quy mô gia đình đã và đang góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Từng bước nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho nhân dân, diện mạo nông thôn xã đang thay đổi từng ngày. Dào San đang là điểm sáng trong phát triển kinh tế của huyện Phong Thổ thời gian qua.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hieu-qua-tu-cac-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-o-dao-san-post486738.html