Cải tổ bộ máy ngành Thuế: Hướng tới mô hình quản lý hiện đại và minh bạch
Việc triển khai cơ cấu tổ chức bộ máy mới của ngành thuế là một bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tinh gọn bộ máy và đảm bảo hoạt động thông suốt ngay khi chuyển đổi.
Đây là nội dung chính được nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến tập huấn triển khai cơ cấu tổ chức bộ máy mới ngành Thuế do Tổng cục Thuế tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh. Hội nghị nhằm hướng dẫn và triển khai các công việc cần thiết để hệ thống thuế vận hành theo mô hình mới từ ngày 01/3/2025 theo đúng định hướng của Trung ương và Chính phủ.

Quang cảnh hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, ngành Thuế với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác thu ngân sách, luôn tiên phong trong việc thực hiện các chủ trương đổi mới, cải cách bộ máy quản lý nhà nước. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không chỉ là một sự thay đổi về mặt cơ cấu mà còn mang ý nghĩa chiến lược, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiện đại, tinh gọn và hiệu quả.
Mục tiêu của quá trình này là xây dựng một hệ thống thuế “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Tổng cục Thuế đã nghiêm túc nghiên cứu và xây dựng mô hình tổ chức bộ máy đảm bảo tính hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động nhưng vẫn duy trì sự thông suốt trong công tác quản lý thuế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh
Một trong những thay đổi quan trọng trong đợt cải tổ lần này là sự chuyển đổi mô hình quản lý thuế từ phương thức “quản lý thuế theo chức năng, kết hợp với đối tượng” sang “quản lý theo đối tượng, kết hợp với quản lý theo chức năng”.
Sự thay đổi này giúp nâng cao tính chuyên sâu trong từng khâu quản lý, tăng cường năng lực phục vụ người nộp thuế và tối ưu hóa hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế. Đồng thời, giúp ngành Thuế chủ động hơn trong việc tiếp cận, hỗ trợ và kiểm soát các nguồn thu, đảm bảo công tác quản lý thuế ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn.
Không chỉ dừng lại ở việc tinh gọn bộ máy, việc chuyển đổi mô hình quản lý thuế lần này còn mở ra cơ hội lớn để ngành Thuế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tổng cục Thuế đã đề ra ba trụ cột quan trọng để đảm bảo sự thành công của mô hình mới. Trụ cột đầu tiên là xây dựng thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại và có tính hội nhập quốc tế, tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc cho việc triển khai các chính sách thuế. Trụ cột thứ hai là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức thuế có chuyên môn cao, liêm chính, đổi mới và thích ứng nhanh với sự thay đổi. Trụ cột thứ ba là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, xây dựng hệ thống dữ liệu thuế hiện đại, tích hợp và thông minh hơn, giúp tối ưu hóa quy trình làm việc, giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.