Hiệu quả từ các phong trào thi đua ngành y tế

Xác định “Thi đua là động lực để phát triển”, ngay từ đầu năm, Công đoàn ngành Y tế đã tham mưu với Đảng ủy Sở Y tế đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Nổi bật là phong trào thi đua “Lao động giỏi- Lao động sáng tạo” đã tạo sự lan tỏa, góp phần tích cực vào hoàn thành các chỉ tiêu trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe (BVCSSK) nhân dân.

Bộ Y tế trao tặng Bằng khen cho các cá nhân ngành Y tế Vĩnh Phúc có thành tích xuất sắc trong triển khai dự án "Tăng cường hệ thống đào tạo lâm sàng cho điều dưỡng viên mới tốt nghiệp" tháng 3/2021

Bộ Y tế trao tặng Bằng khen cho các cá nhân ngành Y tế Vĩnh Phúc có thành tích xuất sắc trong triển khai dự án "Tăng cường hệ thống đào tạo lâm sàng cho điều dưỡng viên mới tốt nghiệp" tháng 3/2021

Để hoạt động phong trào thi đua yêu nước đi vào chiều sâu và đạt kết quả cao, thời gian qua, Công đoàn ngành Y tế đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể, chủ động xây dựng kế hoạch và phát động các phong trào thi đua phù hợp với từng đơn vị trong ngành. Ban Thường vụ Công đoàn ngành đã xây dựng các tiêu chí thi đua cụ thể để các công đoàn cơ sở căn cứ xét thi đua hàng năm.

Công đoàn ngành cùng với CĐCS lựa chọn ra những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời, đồng thời nhân rộng các tập thể, cá nhân trong toàn ngành để cán bộ, đoàn viên học tập noi theo.

Với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, cụ thể và thiết thực, các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”; “Thực hiện tốt 12 điều y đức”; “Thực hiện vệ sinh môi trường xanh- sạch- đẹp”; “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao trình độ chuyên môn”. Nổi bật là phong trào “Thi đua lao động giỏi - Lao động sáng tạo”... đã xuất hiện nhiều điển hình trên các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, điều trị tại chỗ..., góp phần giảm chi phí cho người bệnh .

Gắn với phong trào thi đua “Lao động giỏi-Lao động sáng tạo” là phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ chuyên môn, y đức.

Hằng năm, đã có hàng trăm lượt bác sĩ, điều dưỡng viên, xét nghiệm viên, cán bộ các bộ phận chuyên môn, được ngành cử đi học nâng cao bác sĩ chuyên khoa, thạc sĩ, tiến sĩ.

Toàn ngành hiện có hơn 1.300 bác sĩ, bình quân đạt 11 bác sĩ/vạn dân (bình quân của cả nước là 10,4 bác sĩ/1 vạn dân), 1 dược sĩ đại học/1 vạn dân. Ngoài ra, còn hàng ngàn lượt y tá, hộ lý, điều dưỡng viên được cử đi đào tạo nâng cao theo chuyên khoa ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các Bệnh viện T.Ư.

Đến nay, số lượng bác sĩ toàn ngành tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước, trong đó số cán bộ, thầy thuốc làm lãnh đạo, quản lý có trình độ sau đại học chiếm hơn 30% cán bộ quản lý và bác sĩ trong ngành.

Thầy thuốc ưu tú Lê Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Thực hiện tốt phong trào thi đua “Lao động giỏi- Lao động sáng tạo”, năm 2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có 56 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, trong đó có 52 đề tài nghiên cứu khoa học, 4 sáng kiến kỹ thuật, đã có 36 đề tài, sáng kiến đã được nghiệm thu và cho phép ứng dụng.

Đặc biệt có 3 đề tài ứng dụng nhằm hỗ trợ triển khai phát triển chuyên môn thuộc danh mục kỹ thuật cao đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc.

Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt và giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh bắt đầu thực hiện từ năm 2021.

Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác nghiên cứu khoa học cấp cơ sở tại Bệnh viện. Các đề tài NCKH và sáng kiến cải tiến kỹ thuật được hội đồng khoa học cấp tỉnh và cấp cơ sở nghiệm thu cho phép triển khai ứng dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực, được sử dụng nhiều nhất là đặt Stent điều trị tái lưu thông cho người bị tắc động mạch vành (trước đây phải về chuyển đến các bệnh viện trung ương mới thực hiện được).

Bà Lưu Thị Hồng Lê, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế cho biết: Phong trào “Thi đua lao động giỏi- Lao động sáng tạo” đã được cán bộ, nhân viên trong ngành tích cực hưởng ứng, nhất là lớp trẻ, từ đó thu hút ngày càng nhiều người trong và ngoài tỉnh đến khám chữa bệnh.

Năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn ngành đã thực hiện khám bệnh cho gần 1,3 triệu lượt người; điều trị nội trú cho gần 256 nghìn lượt người.

Trên 90% bệnh nhân khỏi và đỡ bệnh ra viện. Tỷ lệ tử vong tại bệnh viện tuyến huyện giảm còn dưới 0,1%. Số bệnh nhân chuyển tuyến trên giảm, tỷ lệ bệnh nhân tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh trong ngành giảm so với chỉ tiêu đề ra.

Tiêu biểu là phong trào thi đua nghiên cứu ứng dụng KHKT mỗi cán bộ, thầy thuốc đã luôn thấm nhuần ý nghĩa, lý tưởng cách mạng, nhân cách và phương pháp làm việc khoa học, tích cực nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật cao, kỹ thuật vượt tuyến vào khám chữa bệnh đem hiệu quả cao.

Từ các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình về tinh thần say mê sáng tạo, tận tụy với công việc, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ BVCSSK nhân dân trong tỉnh.

Năm 2021, đã có gần 1.000 lượt cán bộ, thầy thuốc trong ngành được các cấp, các ngành của tỉnh và T.Ư khen thưởng, trong đó 1 người được tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”; 8 người được tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, cùng hàng trăm tập thể, cá nhân có thành tích được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động và được Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Ngành Y tế được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Bài, ảnh: Xuân Hùng

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/74183/hieu-qua-tu-cac-phong-trao-thi-dua-nganh-y-te.html