Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Trong những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã đóng góp một phần không nhỏ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở mang dân trí và cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

 Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng sâu, vùng xa - Ảnh: L.A

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng sâu, vùng xa - Ảnh: L.A

Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động và sản xuất điện, 1 đơn vị sản xuất và cung ứng nước sạch đã ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh với nguồn thu trung bình hằng năm từ 15 - 20 tỉ đồng. Từ nguồn kinh phí trên, hàng năm Quỹ BV&PTR tỉnh đã tiến hành chi trả kịp thời cho các chủ rừng để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên lưu vực các nhà máy thủy điện.

Giám đốc Ban điều hành Quỹ BV&PTR tỉnh Trần Văn Tý thông tin, chỉ tính riêng trong năm 2021, Quỹ BV&PTR đã chi trả tiền DVMTR cho hơn 41.898 ha rừng của 1.240 chủ rừng trên địa bàn tỉnh, bao gồm 5 chủ rừng là tổ chức, 14 UBND xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, 44 cộng đồng dân cư, nhóm hộ gia đình và 1.177 hộ gia đình, cá nhân, tập trung ở địa bàn hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Tổng số tiền chi trả DVMTR đạt trên 17,3 tỉ đồng. Trong đó, mức chi trả đối với lưu vực Rào Quán và Hạ Rào Quán là 800.000 đồng/ha, lưu vực Khe Nghi là 617.000 đồng/ha, các lưu vực còn lại có đơn giá 300.000 đồng/ ha. Việc điều tiết nguồn tiền DVMTR được Ban điều hành Quỹ BV&PTR tham mưu đảm bảo không có sự chênh lệch quá lớn về đơn giá chi trả giữa các lưu vực, đảm bảo quyền lợi cho các chủ rừng cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh.

Một điểm đáng chú ý đó là trong những năm qua Quỹ BV&PTR tỉnh luôn chú trọng đến công tác chi trả tiền DVMTR bằng các hình thức thanh toán phi tiền mặt. Hằng năm, Ban điều hành Quỹ BV&PTR tỉnh phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai tập huấn, mở tài khoản ngân hàng cho các chủ rừng. Kết quả đến nay, trong tổng số hơn 17,3 tỉ đồng tiền DVMTR của năm 2021, đã có gần 17,2 tỉ đồng được chi trả cho các chủ rừng thông qua tài khoản ngân hàng, đạt tỉ lệ 99%.

Trong đó, đối với chủ rừng là tổ chức, UBND xã đã chi trả toàn bộ 100% qua tài khoản ngân hàng với số tiền hơn 12,8 tỉ đồng. Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, nhóm hộ gia đình… số tiền chi trả qua tài khoản ngân hàng là hơn 4,31 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 96%. Số tiền còn lại chi trả bằng tiền mặt chỉ còn hơn 184 triệu đồng. Đây chủ yếu là những hộ có diện tích cung ứng DVMTR nhỏ, số tiền DVMTR nhận được còn rất thấp (bình quân dưới 550.000 đồng/năm). Đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số, có trình độ dân trí chưa cao, chưa có nguyện vọng mở tài khoản ngân hàng do số tiền nhận được không nhiều.

Để tiến tới thực hiện chi trả tiền DVMTR hoàn toàn qua tài khoản ngân hàng trên các lưu vực được chi trả trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Quỹ BV&PTR tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại tiến hành làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương, chủ rừng tổ chức và tổ nhận khoán bảo vệ rừng để tuyên truyền, hướng dẫn tiếp cận giao dịch qua hệ thống ngân hàng. Đồng thời tìm ra giải pháp thích hợp để hỗ trợ người nhận tiền bảo vệ rừng từ nguồn DVMTR theo hình thức phi tiền mặt một cách thuận lợi và đơn giản nhất mà không mất nhiều thời gian. Đảm bảo tính công khai, minh bạch và giúp cho cơ quan nhà nước thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe, thông qua chính sách chi trả DVMTR, các chủ rừng và chính quyền địa phương trong khu vực được nâng cao kiến thức về công tác quản lý bảo vệ rừng và một số chính sách phát triển lâm nghiệp của nhà nước. Người dân cũng đã từng bước nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng và chính sách chi trả DVMTR nên đã tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng trong và ngoài lưu vực các nhà máy thủy điện. Nhờ vậy, chất lượng cũng như số lượng rừng ngày càng cải thiện; số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cháy rừng,... giảm đáng kể. Việc triển khai chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, ít gặp rủi ro, công khai, minh bạch được Nhân dân hưởng ứng. Đơn giá chi trả tiền DVMTR được cải thiện, đã góp phần quan trọng giúp cho các hộ gia đình, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất tại địa phương.

“Trong những năm qua, nguồn thu chi trả DVMTR đã góp phần tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng và xóa đói giảm nghèo đối với hơn 15 xã vùng sâu, vùng xa nằm trong lưu vực thủy điện. Góp phần nâng cao đời sống cho hơn 1.354 hộ gia đình, cá nhân thuộc 12 cộng đồng dân cư thôn và 62 tổ nhóm nhận khoán bảo vệ rừng của các chủ rừng là tổ chức, UBND xã. Từ khi có chính sách chi trả DVMTR, các tổ chức, hộ gia đình và cộng đồng đã tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng, tình trạng cháy rừng, xâm lấn đất rừng,... dần được hạn chế tại các vùng sâu, vùng xa”, ông Hồ Xuân Hòe cho biết thêm.

Từ những kết quả và kinh nghiệm đã đạt được trong việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trong thời gian qua, năm 2022, Quỹ BV&PTR tỉnh đặt mục tiêu thu và chi trả dự kiến hơn 19,4 tỉ đồng tiền DVMTR. Để đạt được mục tiêu trên, Quỹ BV&PTR sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tiến hành xây dựng bản đồ chi trả DVMTR và xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR năm 2021 (chi trả trong năm 2022) cho các chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh; kiểm tra công tác khoán bảo vệ rừng của các chủ rừng là các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, UBND xã cho các hộ gia đình và cộng đồng dân cư bảo vệ rừng trong lưu vực có chi trả tiền DVMTR. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thu, ủy thác tiền DVMTR cho các chủ rừng trên các lưu vực thủy điện nội tỉnh.

Đồng thời, phối hợp với Quỹ BV&PTR Việt Nam rà soát, xác định diện tích lưu vực, diện tích rừng trong lưu vực và tiến hành ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR đối với các nhà máy thủy điện có lưu vực liên tỉnh, gồm: Thủy điện Đakrông 1, 2, 3 và 4. Từ đó, tiếp tục hỗ trợ ngành lâm nghiệp của tỉnh một cách hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, làm giàu từ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình và người dân sống gần rừng.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=166473&title=hieu-qua-tu-chinh-sach-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung