Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ người chăn nuôi

Nhờ những chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương thức chăn nuôi gia súc của tỉnh Long An, nhiều hộ có thêm điều kiện phát triển chăn nuôi tập trung, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Trong đó, điển hình là chính sách hỗ trợ bò giống thuộc Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Đàn bò của mô hình điểm tại Hợp tác xã Chăn nuôi bò thịt Hòa Khánh Đông phát triển tốt

Đàn bò của mô hình điểm tại Hợp tác xã Chăn nuôi bò thịt Hòa Khánh Đông phát triển tốt

Những năm qua, nuôi bò sinh sản là một trong những phương pháp giảm nghèo hiệu quả vì chi phí chăn nuôi thấp. Cùng với đó, bò có giá trị kinh tế cao, sau hơn 1 năm nuôi có thể xuất bán bò thịt, bò giống, mỗi con bò cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Qua thực tế, đã có hàng ngàn hộ dân thoát nghèo bền vững thông qua việc chăn nuôi bò.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, đến nay, Chương trình đã xây dựng được 10 mô hình điểm chăn nuôi bò ƯDCNC tại 2 huyện Đức Hòa và Đức Huệ. Trong đó, hỗ trợ cho 10 mô hình điểm và 2 Hợp tác xã (HTX) điểm chuyển đổi 181 con bò cái sinh sản; hỗ trợ mua 75 máy phục vụ cho chăn nuôi (máy băm cỏ, máy cắt cỏ và máy trộn thức ăn cho người chăn nuôi).

Ngoài ra, năm 2020, Chi cục còn hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho HTX chăn nuôi bò thịt Hòa Khánh Đông, Tổ hợp tác (THT) Đức Lập Hạ, THT Đức lập Thượng, trang trại ông Phạm Thành Công của huyện Đức Hòa và HTX Tây Hòa, THT Mỹ Thạnh Bắc của huyện Đức Huệ.

Tại Đức Huệ, đến nay, huyện thành lập được 4 mô hình điểm chăn nuôi bò ƯDCNC của tỉnh tại các xã: Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông, Mỹ Thạnh Bắc, Bình Hòa Bắc; 12 THT với gần 170 thành viên tham gia và 1 HTX Tây Hòa; thực hiện gieo tinh được trên 2.300 con bò và đàn bò sinh ra gần 1.300 con.

Việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi như bổ sung dinh dưỡng trong thức ăn của bò, thực hiện gieo tinh nhân tạo đã dần cải thiện tầm vóc đàn bò giống, bê sinh ra có tầm vóc và trọng lượng cao, lớn hơn. Hộ chăn nuôi tham gia các mô hình từng bước áp dụng cơ giới hóa, trồng cỏ có dinh dưỡng cao và xử lý chất thải trong chăn nuôi, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ - Phạm Hồng Tươi cho biết: “Chương trình nuôi bò theo hướng ƯDCNC đã và đang mang lại hiệu quả cao, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Tin tưởng rằng, thời gian tới, chương trình tiếp tục được nhân rộng và đạt hiệu quả cao hơn nữa”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Chăn nuôi bò thịt Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa - Võ Thanh Quang chia sẻ: “Năm 2017, HTX được chọn là HTX điểm để thực hiện chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên con bò. Theo đó, HTX được hỗ trợ 50% số tiền mua 25 con bò giống với mục tiêu cải thiện chất lượng bò giống tại địa phương”. Được biết, HTX chăn nuôi bò thịt Hòa Khánh Đông đã có những tín hiệu rất khả quan khi số lượng đàn bò có chất lượng cao ngày càng tăng lên. Hiện nay, HTX có 52 thành viên nuôi gần 220 con bò chất lượng cao.

Chất lượng đàn bò ngày càng được cải thiện

Chất lượng đàn bò ngày càng được cải thiện

Ông Huỳnh Tấn Khoa, thành viên HTX Chăn nuôi bò thịt Hòa Khánh Đông, bộc bạch: “Gần 10 năm nuôi bò nhưng chất lượng đàn bò của gia đình thực sự thay đổi từ khi có chương trình hỗ trợ mua bò giống của tỉnh. Thực tế nuôi tại gia đình và một số bà con trong xã cho thấy bê được sinh ra có ngoại hình đẹp, lớn nhanh, thời gian nuôi từ 7 - 10 tháng có thể xuất bán với giá từ 15 - 20 triệu đồng/con.

Hy vọng thời gian tới, tỉnh tiếp tục có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tiếp cận được các giống bò có năng suất, chất lượng thịt cao, góp phần cải thiện hơn nữa chất lượng đàn bò và tăng thu nhập cho người chăn nuôi”.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, đến nay, tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh là 113.034 con, tập trung nhiều nhất tại các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Hưng và Thủ Thừa. Bên cạnh đó, tổng sản lượng thịt bò hơi năm 2021 ước đạt trên 3.300 tấn (tăng 4,5% so với năm 2020), sản lượng thịt bò hơi của các huyện có sự tăng, giảm không ổn định và chênh lệch giữa các huyện.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phượng thông tin: “Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên con bò đã góp phần giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững; đồng thời, hạn chế việc di dân vào các thành phố lớn, làm mất cân đối lực lượng lao động. Toàn xã hội được hưởng lợi từ chất lượng thịt bò được nâng cao, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn sức khỏe cộng đồng.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành Chăn nuôi tỉnh tiếp tục xây dựng 1 mô hình chăn nuôi bò khép kín được sản xuất theo chuỗi, 2 HTX điểm điển hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC và có 3 HTX nông nghiệp ƯDCNC một trong các khâu chăn nuôi, hướng tới công nghệ tin học trong quản lý và kinh doanh ở HTX. Ngoài ra, phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có trên 5.000 con bò chất lượng cao”./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hieu-qua-tu-chinh-sach-ho-tro-nguoi-chan-nuoi-a123871.html