Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu chè

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng, hỗ trợ 4.050 hộ thuộc 24 xã, thị trấn các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát và Mường Khương phát triển vùng nguyên liệu chè, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.

Được sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh, UBND các huyện đã chỉ đạo ban quản lý dự án chè tổ chức sản xuất, cung ứng giống, phân bón vô cơ theo định mức. Các hộ đăng ký trồng chè ký hợp đồng trách nhiệm với ban quản lý dự án chè cùng góp đất, phân bón hữu cơ, nhân công lao động, trồng chè theo hướng dẫn kỹ thuật của ban quản lý và cán bộ khuyến nông. Áp dụng hình thức hỗ trợ sau đầu tư, người dân được ứng trước cây giống, phân bón để trồng chè, sau khi chè sống ổn định, ban quản lý dự án chè các huyện sẽ kiểm tra, nghiệm thu thực tế, nếu đạt tỷ lệ sống trên 85% thì hoàn thiện hồ sơ đề nghị thanh toán.

Nông dân thu hoạch chè.

Nông dân thu hoạch chè.

Trong 5 năm thực hiện chính sách, các huyện đã trồng được 1.665 ha chè các loại, trong đó Mường Khương 1.124 ha; Bảo Yên 313 ha; Bảo Thắng 127,5 ha; Bát Xát 100,4 ha. Cơ cấu giống chè, có 674 ha chè chất lượng Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên để chế biến chè Ô long xuất khẩu và 991 ha chè Shan chọn lọc. Đến nay, toàn tỉnh có 1.478 ha chè trồng mới (chiếm 88%) đã hết thời kỳ kiến thiết cơ bản, đủ tiêu chuẩn đưa vào sản xuất, kinh doanh. Năng suất chè búp tươi đạt 4 tấn/ha, sản lượng khoảng 6.000 tấn nguyên liệu búp tươi/năm. Các sản phẩm chè búp tươi được tiêu thụ thuận lợi, chè Kim Tuyên ở vùng thấp được các cơ sở chế biến thu mua với giá 8 - 10 nghìn đồng/kg, ở vùng cao từ 12 đến 20 nghìn đồng/kg; chè Shan giá bán bình quân 7 nghìn đồng/kg.

Như vậy, mới tính trong những năm đầu sau kiến thiết cơ bản, doanh thu chè búp tươi đạt tới 50 tỷ đồng mỗi năm. Đây là nguồn thu không nhỏ của người dân vùng cao, trong đó có rất nhiều hộ nông dân đã giàu có hơn từ sản xuất, kinh doanh chè. Không những thế, hiệu quả, năng suất, chất lượng chè ngày càng tăng khi vườn chè kín tán, thu nhập của người trồng chè có thể cao gấp 3 - 4 lần, tạo việc làm cho hơn 12.000 lao động nông thôn, ổn định đến 30 - 40 năm sau.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu chè, vẫn còn 187 ha chè (chiếm 12%) chưa đủ tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh.

Để tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng, hiệu quả vùng chè, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, vận động về hiệu quả của chính sách, cần tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, nghiệm thu thời kỳ kiến thiết cơ bản (đủ 3 năm), sau đó mới bàn giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng vườn chè theo quy định tại Nghị quyết 26/2020 của HĐND tỉnh. Song song với đó, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hằng năm, nhất là công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và HĐND các cấp.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349424-hieu-qua-tu-chinh-sach-ho-tro-phat-trien-vung-nguyen-lieu-che