Hiệu quả từ chính sách phát triển nông nghiệp

Thời gian qua, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã và đang đóng vai trò định hướng phát triển, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách trong thực tiễn, đặc biệt là các chính sách phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân; xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh
Nông thôn Đồng Nai khởi sắc từ những quyết sách đúng đắn

Cụ thể hóa nghị quyết phù hợp với thực tiễn địa phương

Từ năm 2018, HĐND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nuôi tôm càng xanh kỹ thuật cao ở Đồng Nai. Nguồn: TTXVN

Nuôi tôm càng xanh kỹ thuật cao ở Đồng Nai. Nguồn: TTXVN

Trong năm 2021, nhiều nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua nhằm hỗ trợ, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Có thể kể đến Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các hộ dân được hỗ trợ chi phí di dời cơ sở chăn nuôi cũng như hỗ trợ lãi suất vay đầu tư đối với dự án chăn nuôi mới. Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND về quy định chế độ hỗ trợ ngư dân chấm dứt sử dụng nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Cuối năm 2021, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 197/2019/NQ-HĐND về giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021. Cụ thể, mức giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi cho đất trồng lúa đối với các xã công nhận miền núi là 1.811.000 đồng/ha/vụ (tưới, tiêu bằng động lực), 1.267.000 đồng/ha/vụ (tưới, tiêu bằng trọng lực), 1.539.000 đồng/ha/vụ (tưới, tiêu bằng trọng lực và kết hợp động lực hỗ trợ). Đối với các xã còn lại, tưới tiêu bằng động lực thì đơn giá là 1.329.000 đồng/ha/vụ; tưới tiêu bằng trọng lực thì đơn giá là 930.000 đồng/ha/vụ; tưới tiêu bằng trọng lực và kết hợp động lực hỗ trợ thì đơn giá là 1.130.000 đồng/ha/vụ.

Ngay sau khi các nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh Đồng Nai đã kịp thời ban hành các văn bản triển khai thực hiện; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn cho các địa phương, đơn vị thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành. Các sở, ngành, địa phương đã cụ thể hóa nghị quyết của HĐND tỉnh, quyết định của UBND tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế để đạt được hiệu quả cao nhất.

Nông dân là đối tượng thụ hưởng

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp chính quyền được quan tâm; công tác tuyên truyền các nghị quyết tới người dân được chú trọng, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện quy chế dân chủ được thực hiện thường xuyên.

Việc triển khai các chính sách đã tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh và bước đầu hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 98 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô gần 19 nghìn hecta, bình quân khoảng 200ha/vùng.

Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 92 vùng với quy mô hơn 18,8 nghìn hecta; lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có 6 vùng với quy mô 140ha. Các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng đa dạng công nghệ cao như: sử dụng giống mới; ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; ứng dụng khoa học, kỹ thuật để sản xuất đạt các tiêu chuẩn quốc tế; đưa máy móc, cơ giới hóa vào sản xuất...

Ngoài ra, trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có gần 90% tổng đàn heo và tổng đàn gia cầm chăn nuôi trang trại có quy mô công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao như: sử dụng chuồng lạnh, tự động hóa nhiều khâu trong quy trình sản xuất; quản lý hoạt động chăn nuôi bằng các phần mềm hiện đại.

Từ những chủ trương, chính sách bám sát đời sống người nông dân, bộ mặt nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực, phong tục, tập quán sản xuất cũ dần được thay thế với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiệu quả của các chính sách đã góp phần nâng cao đời sống, thu nhập, giảm nghèo cho người dân, góp phần khẳng định nông dân là đối tượng thụ hưởng của các chính sách phát triển nông nghiệp. Điều này được chứng minh bởi người dân khu vực nông thôn tỉnh Đồng Nai có thu nhập thuộc một trong những tỉnh đứng đầu cả nước. Năm 2020, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tỉnh này đạt gần 61,75 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra của tỉnh và so với mức bình quân của cả nước.

Nhấn mạnh vai trò giám sát của HĐND trong lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành đã thực hiện kịp thời, nghiêm túc, quyết liệt định hướng của HĐND tỉnh. Đặc biệt Sở đã thành lập Tổ công tác triển khai Chương trình “Nông nghiệp Đồng Nai đoàn kết, chia sẻ phòng chống dịch” và phối hợp các ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong khâu thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”, góp phần thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ngành năm 2021 và các năm tiếp theo.

Tâm Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/hieu-qua-tu-chinh-sach-phat-trien-nong-nghiep-i290838/