Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn theo VietGap

Với chính sách hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp an toàn, xây dựng các vùng trồng trọt sản xuất tập trung hàng hóa, vùng chuyên canh, xen canh theo quy trình VietGAP giai đoạn 2021-2025, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh đã từng bước thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn theo quy trình VietGAP trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đã tạo ra sản phẩm rau, quả hàng hóa an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Thu hoạch rau cải củ trồng theo VietGAP tại cánh Đồng Vả, Làng Hà, xã Hồ Sơn (Tam Đảo)

Thu hoạch rau cải củ trồng theo VietGAP tại cánh Đồng Vả, Làng Hà, xã Hồ Sơn (Tam Đảo)

Thực hiện chương trình hỗ trợ sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP giai đoạn 2021- 2025 của tỉnh giao, ngay từ đầu năm, TTKN tỉnh đã xây dựng kế hoạch (KH) tham mưu Sở NN&PTNT, phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố, chính quyền các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, thời hạn, loại hình rau, quả được hỗ trợ theo Nghị quyết số 20/2020 của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.

Rà soát địa điểm thống nhất với chính quyền địa phương và người sản xuất đăng ký quy hoạch vùng sản xuất rau, củ quả tập trung để thuận lợi canh tác.

Lập KH trình UBND tỉnh về địa chỉ, quy mô, số lượng, chủng loại, diện tích cụ thể trên địa bàn từng huyện, thành phố. Thông báo công khai cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, khung thời vụ gieo trồng, thủ tục hồ sơ thanh quyết toán đến người dân.

Tập huấn kỹ thuật làm đất, ươm giống, trồng, chăm sóc (bón phân, tưới nước, vun xới), cách nhận biết các loại sâu bệnh hại, biện pháp phòng chống sâu bệnh, kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, an toàn cho người sản xuất…

Với cách làm cụ thể, dứt điểm, kịp thời, TTKN tỉnh đã thống nhất với chính quyền địa phương và người dân quy hoạch tại 54 xã, thị trấn/9 huyện, thành phố được 1.840 ha trồng rau, quả theo quy trình VietGAP.

Trong đó, có 780 ha trồng cây bí đỏ, 415 ha trồng cây dưa chuột, 50 ha trồng cây ớt, 80 ha trồng cây khoai tây, 50 ha trồng cây cà chua; 465 ha trồng các loại rau, quả khác.

Thực hiện hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón hữu cơ – sinh học – vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP đối với cây bí đỏ, cây dưa chuột; hỗ trợ 50% chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật sinh học sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP đối với cây ớt.

Hỗ trợ 50% chi phí phân bón hữu cơ – sinh học – vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP đối với cây cà chua và các loại rau, quả khác; hỗ trợ 50% chi phí giống để sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP đối với cây khoai tây.

Năm 2021, tổng diện tích đã hỗ trợ là 1.775 ha/1.840 ha, đạt 96,5% KH, trong đó cây bí đỏ 780 ha, đạt 100% KH; dưa chuột 350,2ha/415 ha, đạt 84,4% KH; khoai tây 80ha/80 ha, đạt 100% KH; rau củ quả các loại 465 ha/465 ha, đạt 100% KH... với tổng số hộ được hỗ trợ là 69.304 hộ và HTX với mức hỗ trợ bình quân giá trị từ 4-4,5 triệu đồng/ha.

Nhờ được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, thuốc BVTV năng suất các loại cây rau, quả tăng cao: Cây bí đỏ đạt 15,3 tấn/ha; cây dưa chuột đạt 25,8-27,9 tấn /ha; cây ớt đạt trên 13 tấn/ha; cây cà chua đạt 20 tấn/ha; cây khoai tây đạt 16,3 tấn/ha; rau củ quả các loại đạt 19,6-55 tấn/ha.

Sản xuất rau quả theo quy trình VietGAP cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cây thông thường trên cùng vùng canh tác từ 2-3 lần. Sau khi trừ chi phí cho lãi cây bí đỏ đạt 88 triệu đồng/ha; dưa chuột từ 111-128 triệu đồng/ha; cây ớt đạt 293,6 triệu đồng/ha; cà chua 298 triệu đồng/ha, khoai tây trên 77 triệu đồng/ha…

Dẫn chúng tôi thăm quan khu trồng rau, củ, quả theo VietGAP tại Đồng Vả và Đồng Thanh của thôn Làng Hà, ông Trần Văn Thân, 60 tuổi, xã Hồ Sơn (Tam Đảo) cho biết: Nhờ được hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật kịp thời, năm 2022, gia đình ông trồng gần 3 mẫu (1 ha) theo hướng thâm canh và xen canh các loại rau quả theo quy trình VietGAP.

Đối với cây rau cải, một năm sẽ trồng từ 8-10 lứa, mỗi lứa rau bán được từ 2-2,5 triệu đồng/sào, giá trị tăng gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Năm 2021, gia đình trồng gần 2 sào (360 m2/sào) dưa theo VietGAP bán thu về trên 20 triệu đồng/vụ. Doanh thu bán rau hằng năm đạt từ 145- 155 triệu đồng/ha.

Sản xuất rau an toàn theo VietGAP có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái, cải tạo đất đai, bảo vệ được các loài sinh vật có ích trên đồng ruộng để hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Do người sản xuất được tập huấn, hướng dẫn về quy trình kỹ thuật, sử dụng phân bón, nước tưới, thuốc BVTV an toàn trong sản xuất, sản phẩm rau quả luôn đảm bảo về chất lượng, không tồn dư các chất độc hại, vi sinh vật gây bệnh, sản phẩm thu hoạch bán buôn hết ngay tại ruộng cho khách hàng các nơi về thu mua.

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai xây dựng hỗ trợ, tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, chú trọng tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở để người dân nắm bắt được các nội dung, chính sách hỗ trợ của tỉnh, tích cực tham gia và thực hiện theo đúng quy định.

Tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm với Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố, UBND cấp xã từ khâu triển khai đăng ký nhu cầu hỗ trợ, cấp phát giống, vật tư theo quy định...

Đồng thời, nghiệm thu kết quả thực hiện, kiểm tra, đánh giá nhân rộng trong sản xuất. Đề xuất với tỉnh điều chỉnh một số nội dung hỗ trợ của Nghị quyết nhằm phù hợp hơn với khả năng đầu tư của người dân. Phấn đấu đạt 100% diện tích tỉnh giao năm 2022 với năng suất tăng từ 5-10%.

Bài, ảnh Xuân Hùng

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/81318/hieu-qua-tu-chuong-trinh-ho-tro-san-xuat-rau-qua-hang-hoa-an-toan-theo-vietgap.html