Hiệu quả từ Chương trình 'Một triệu sáng kiến'
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Chương trình 'Một triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19' do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động, các cấp công đoàn tỉnh Thái Nguyên đã hưởng ứng mạnh mẽ, thu hút đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tham gia.
Ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên cho biết, tính đến ngày 18/9, cán bộ, đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh đã có 19.736 sáng kiến được cập nhật thành công trên Cổng thông tin trực tuyến của Chương trình. Qua thống kê trên hệ thống của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên có nhiều sáng kiến tham gia Chương trình, đa dạng, xuất hiện trên nhiều lĩnh vực, ngành, nghề với sự tham gia của nhiều lực lượng lao động từ công nhân lao động đến kỹ sư, công chức, viên chức, cán bộ khoa học…
Trong đó, anh Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1992) là nhân viên hỗ trợ sản xuất của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có sáng kiến “Cải tiến gãy nhựa mặt A model Rainbow G0, R0 CNC45”, với số tiền làm lợi của một cải tiến gần 35 tỷ đồng/năm. Ngoài cải tiến trên, anh còn có 7 sáng kiến khác mang lại tổng giá trị làm lợi trên 63,8 tỷ đồng/năm, góp phần cải tiến hiệu quả trong công việc, thuận tiện trong thao tác, giảm giá thành sản phẩm và làm tăng tính cạnh tranh với các nhà cung cấp khác. Với những thành tích nổi bật, anh Tuấn trở thành nhân viên có nhiều ý tưởng sáng tạo, dự án cải tiến xuất sắc nhất bộ phận.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn có nhiều sáng kiến của đoàn viên đem lại giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng. Tiêu biểu như anh Nguyễn Viết Cường - kỹ sư cao cấp của Công ty TNHH Vonfram Masan Thái Nguyên với sáng kiến tái chế bã tinh chế 2, tối ưu hóa lượng xút tiêu thụ trong công đoạn nghiền và lọc ép; giảm tối thiểu lượng phế phẩm tại máy sấy sản phẩm dạng xoắn; tận thu vonfram từ máy lọc tinh chế 1. Sáng kiến được đưa vào ứng dụng tiết kiệm chi phí vận chuyển và lưu bãi cho việc chờ xử lý ngoài đập thải, giảm thiểu lượng hóa chất thất thoát trong bã thải ra môi trường, giảm thiểu chi phí, nhân công và hóa chất cần cho việc tái chế, giá trị làm lợi 13,5 tỷ đồng/năm.
“Có thể khẳng định, việc triển khai Chương trình “Một triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đều thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác, hướng dẫn đoàn viên, người lao động tham gia. Công đoàn tỉnh Thái Nguyên cũng tổ chức biểu dương, khen thưởng, tặng kèm các món quà ý nghĩa cho những người có sáng kiến nổi bật, qua đó khơi dậy được tinh thần, khát vọng sáng tạo, truyền cảm hứng sáng tạo cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Nội dung các sáng kiến phong phú, đa dạng trên mọi lĩnh vực thể hiện được tinh thần sáng tạo của đoàn viên, người lao động, các sáng kiến tham gia Chương trình đã được áp dụng hiệu quả tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp” - ông Dũng cho hay.
Đánh giá về hiệu quả của Chương trình “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho rằng, mỗi sáng kiến là một câu chuyện mà ở đó không chỉ giá trị làm lợi cao mà ý nghĩa sâu xa là ở những người lao động bình thường hay lao động trí thức hoặc nhà nghiên cứu đều có những sáng kiến mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Những sáng kiến ấy đều xuất phát từ những vấn đề của thực tiễn, từ đôi tay, từ trí óc và hơn thế là từ lòng đam mê công việc mà chỉ những người thực sự yêu lao động mới có được... “Do vậy, tất cả các sáng kiến của người lao động cần phải được người sử dụng lao động quý trọng, có hình thức ghi nhận, biểu dương, khen thưởng tương xứng” - ông Hải nhấn mạnh.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hieu-qua-tu-chuong-trinh-mot-trieu-sang-kien-5739127.html