Hiệu quả từ Chương trình MTQG 1719
Sau 3 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719) đã tạo ra những cơ hội, điều kiện thuận lợi để vùng đồng bào DTTS phát triển.
Thanh Kỳ là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, nhưng đến nay toàn xã không còn nhà tạm bợ, rách nát. Đêm đến, điện lưới đã sáng trưng khắp thôn, làng. Được biết, xã đang nỗ lực về đích nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2023. Để đạt được những mục tiêu này, xã Thanh Kỳ đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho bà con.
Còn tại xã Xuân Thái, xã đặc biệt khó khăn và 18 thôn đặc biệt khó khăn thuộc khu vực I, II của huyện Như Thanh. Ngoài tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các chương trình, chính sách dân tộc, huyện cũng huy động sự đoàn kết, chung tay của người dân, sự đóng góp sức người, sức của để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ bà con.
Theo bà Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, hiện nay đường đến trung tâm xã và thôn, bản đã được cứng hóa, bê tông hóa, nhiều nhà văn hóa xã, thôn được xây dựng đảm bảo theo tiêu chí xây dựng NTM, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt hơn 99%; 100% số thôn đã có điện lưới quốc gia. Do đó, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, huyện Như Thanh đã có hơn 30 công trình, hạng mục đang thực hiện từ nguồn vốn Chương trình. Trong đó, ưu tiên nguồn lực cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Còn tại tỉnh Sơn La, thực hiện Chương trình MTQG 1719, việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những hoạt động có nguồn vốn thực hiện lớn. Đối với huyện Bắc Yên, huyện đã triển khai hỗ trợ 36 hộ nghèo làm nhà ở; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 30 hộ; đầu tư 5 công trình nước sinh hoạt tập trung tại 4 xã; hỗ trợ bồn chứa nước cho 39 hộ đồng bào DTTS nghèo.
Ông Thào A Mua - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết, sau gần 3 năm triển khai Chương trình MTQG 1719 cùng với nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách khác. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm trên 4%/năm; trên 87% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; trên 64% bản có đường từ trung tâm xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 95% dân số thị trấn được sử dụng nước sạch…
Cũng giống như nhiều địa phương khác, xã Quý Hòa là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Toàn xã có 1.373 hộ gia đình với 6.200 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường. Từ năm 2021 đến nay, nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, xã Quý Hòa đã được đầu tư nguồn lực từ 3 Chương trình MTQG. Nhờ đó xã đã tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn. Còn tại huyện Tân Lạc, trước đây xã Quyết Chiến thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận lợi. Tuy nhiên, nhờ biết tận dụng tối đa, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án, trong đó có Chương trình MTQG 1719, năm 2021, xã Quyết Chiến đã chính thức được công nhận là xã NTM.
Bà Đinh Thị Thảo - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết, thực hiện Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống người dân thuộc Chương trình MTQG 1719, trong 2 năm (2022 - 2023), tỉnh đã hỗ trợ đầu tư 89 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 172 công trình giao thông; 46 công trình đường trung tâm xã, đường liên xã; 12 công trình chợ; 150 công trình sửa chữa nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 7 công trình thủy lợi; 5 công trình y tế...
Đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 8/59 xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, đồng thời thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; 100% số xã vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt trên 97%... Nhiều hộ đồng bào DTTS đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hieu-qua-tu-chuong-trinh-mtqg-1719-10267755.html