Hiệu quả từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
Thanh Hóa là 1 trong 8 tỉnh thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng được Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ triển khai mô hình nước sạch vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn. Chương trình đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực đối với người dân vùng nông thôn. Thông qua đó, giúp cho hàng nghìn hộ dân có nguồn nước sạch sinh hoạt, cũng như cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe trong cộng đồng.
Trạm bơm nước thô Nhà máy nước 8 xã huyện Hoằng Hóa, là một trong những công trình được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Trạm bơm nước thô Nhà máy nước 8 xã huyện Hoằng Hóa là một trong những công trình được xây dựng từ nguồn vốn chương trình nước sạch VSMT nông thôn, do WB tài trợ. Công trình có mức đầu tư 216,58 triệu đồng, trong đó vốn WB tài trợ 90%, 10% còn lại do hộ dùng nước đóng góp. Công trình có quy mô công suất 6.000m3/ngày, đêm; đáp ứng nhu cầu dùng nước đến năm 2020 và có dự trữ để nâng công suất 9.000 m3/ngày, đêm, đáp ứng nhu cầu dùng nước đến năm 2030 của Nhân dân vùng dự án. Công trình được đưa vào vận hành từ năm 2017, đã cấp nước sạch ổn định cho 8 xã vùng biển bao gồm: Hoằng Đông, Hoằng Thanh, Hoằng Ngọc, Hoằng Phụ, Hoằng Yến, Hoằng Tiến, Hoằng Hải và Hoằng Trường. Qua đó, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, giảm thiểu tác động của bệnh tật do sử dụng nước không hợp vệ sinh gây ra.
Ông Lê Danh Diệu, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết: Nước sạch và VSMT nông thôn là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người, mỗi gia đình và là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho Nhân dân. Đây cũng là một tiêu chí quan trọng trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công trình nước sạch VSMT nông thôn do WB tài trợ tại địa phương đã giúp nhiều gia đình có điều kiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch và các công trình vệ sinh, phục vụ sinh hoạt đảm bảo an toàn, vệ sinh, chất lượng sống được nâng lên.
Đối với người dân xã Hoằng Phụ, công trình cấp nước sinh hoạt có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì đã giải quyết tình trạng thiếu nước sạch ở địa phương bấy lâu nay. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức và thói quen dùng nước hợp VSMT nông thôn của người dân. Anh Nguyễn Văn Quân, người dân xã Hoằng Phụ cho biết: Trước đây người dân trong xã phải sử dụng nguồn nước chính là giếng khoan. Nguồn nước này không hợp vệ sinh do chất đất nhiều sắt, dẫn đến hỏng hóc các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Từ ngày sử dụng nước sạch, chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể khiến gia đình yên tâm hơn nhiều. Nguồn nước tương đối ổn định, từ ngày sử dụng đến giờ chưa bao giờ bị mất nước.
Tương tự như vậy, năm 2017 nhà máy nước sạch do tiểu dự án cấp nước sạch cho 9 xã, thị trấn huyện Nga Sơn (nay còn 7 xã do sáp nhập 2 xã Nga Hưng và Nga Mỹ vào thị trấn Nga Sơn) được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn vay của WB đi vào hoạt động. Nhờ đó mà chất lượng cuộc sống của người dân các xã trong vùng dự án đã có nhiều đổi thay. Ban đầu khi nhà máy mới đưa vào sử dụng nhiều người dân còn lo ngại, hoài nghi về tính hiệu quả của công trình. Bởi trên thực tế, đã có nhiều công trình cấp nước tập trung chỉ hoạt động hiệu quả thời gian đầu, sau đó xuống cấp, chất lượng nước không đạt yêu cầu hoặc ngừng hoạt động. Tuy nhiên đến nay, chất lượng công trình bảo đảm nên trên 85% hộ dân trên địa bàn các xã trong vùng dự án đã dùng và đăng ký đấu nối để được sử dụng nước sạch.
Ông Vũ Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Nga Văn cho biết: Sau khi được triển khai, chúng tôi thấy đây là một dự án thực sự cần thiết đối với người dân nông thôn hiện nay. Do vậy, ngay khi dự án khởi động, chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai ở hội nghị mở rộng của xã, sau đó triển khai đến thôn và chỉ đạo thôn đăng ký các hộ sử dụng nước sạch ban đầu theo yêu cầu của dự án. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng trên hệ thống thông tin đại chúng của xã, của thôn để Nhân dân hiểu mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án nước sạch này. Nếu năm 2017, chỉ có gần 60% người dân đăng ký sử dụng, thì đến nay số lượng người dân đăng ký sử dụng nước sạch tăng lên trên 96%.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2017 đến nay, chương trình nước sạch và VSMT nông thôn đã đầu tư 3 công trình nước sạch tập trung cho 24 xã (nay còn 22 xã, do 2 xã đã sáp nhập) ven biển khó khăn về nước sạch (thuộc 3 huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn và Hậu Lộc). Đồng thời đầu tư các công trình cấp nước hợp vệ sinh cho 89 trường học, 34 trạm y tế; hỗ trợ người dân xây dựng 19.014 nhà tiêu hợp vệ sinh. Chương trình giải ngân dựa trên kết quả đầu vào, tạo nhiều áp lực cho đơn vị thực hiện, nhưng nhờ đó tiến độ thực hiện các dự án được đẩy nhanh nhằm đảm bảo mục tiêu của chương trình.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả sau đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn, thiết nghĩ, thời gian tới các ngành liên quan cần xây dựng đội ngũ vững chuyên môn, kỹ thuật; xây dựng hệ thống quy chế chặt chẽ về chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch vận hành của nhà máy theo từng lộ trình cụ thể tránh thất thu và thất thoát nguồn nước sạch. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương cần tuyên truyền sâu rộng tới người dân về lợi ích sử dụng nước sạch trong sinh hoạt nhằm tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch tại nông thôn. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng tới thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình quốc gia cấp nước an toàn.