Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng ở Nà Thấng
Những năm gần đây, nhân dân thôn Nà Thấng, xã Đường Âm (Bắc Mê) đã mạnh dạn chuyển đổi những chân ruộng một vụ kém hiệu quả sang trồng cây Dưa hấu, dưa lê, dưa gang… có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững.
Gia đình chị Trương Thị Thẩy, thôn Nà Thấng là một trong những hộ tiên phong đưa cây Dưa hấu về trồng trên mảnh đất ruộng mà trước đây gia đình chị trồng lúa, ngô kém hiệu quả. Những ngày đầu đưa giống cây này về trồng, bản thân chị cũng không biết có phù hợp với đất đai ở vùng này hay không. Vì vậy, gia đình chị Thẩy chỉ thực hiện trồng thí điểm với diện tích nhỏ. Tuy nhiên, cây Dưa hấu lại rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nên sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật mà năng suất, chất lượng quả Dưa hấu đạt yêu cầu, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập. Từ đó chị Thẩy đã mở rộng thêm diện tích trồng Dưa hấu, đến nay gia đình có trên 1.000 m2 trồng dưa, đem lại thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/1 vụ.
Nhận thấy cây trồng này hiệu quả kinh tế cao nên nhiều gia đình trong thôn đã học tập và đưa cây Dưa hấu về trồng trên đất ruộng một vụ, do vậy diện tích không ngừng được tăng lên theo từng năm. Ông Bồn Văn Điều, Trưởng thôn Nà Thấng cho biết: Ban đầu trong thôn chỉ có 20 hộ tham gia trồng Dưa hấu với diện tích khoảng 0,5 ha; đến nay toàn thôn đã có 72 hộ trồng dưa với tổng diện tích trên 10 ha. Sau khi chuyển sang trồng cây dưa tôi thấy rất hiệu quả, giúp cho nhiều gia đình có thu nhập ổn định.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND xã Đường Âm cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Nà Thấng đã phát huy được hiệu quả tích cực, hình thành được vùng chuyên canh cây dưa các loại. Trong 3 năm qua, bà con trong thôn đã mạnh dạn đưa giống Dưa hấu quả dài vào trồng, thậm chí còn chủ động đưa giống Dưa lê, dưa gang, dưa chuột vào thâm canh trên những chân ruộng một vụ kém hiệu quả, qua đó đã trở thành cây trồng chủ lực giúp bà con giảm nghèo, nâng cao thu nhập.
Thực tế chuyển đổi cây trồng đã mang lại những hiệu quả thiết thực đối với người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi hiện nay gặp trở ngại là hầu hết diện tích chuyển đổi là khu vực các thôn vùng cao, quy mô, diện tích còn nhỏ, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung. Chủ thể thực hiện chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, còn khó khăn về kinh tế, thiếu nguồn lực đầu tư cho sản xuất; năng lực và trình độ canh tác còn thấp. Để việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả, xã Đường Âm quan tâm tuyên truyền cho nhân dân căn cứ trên diện tích đất của từng gia đình để cân đối chuyển đổi loại cây trồng phù hợp. Trong quá trình canh tác, chú trọng khâu chăm sóc, thu hoạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Thành công bước đầu từ cây dưa các loại của thôn Nà Thấng, xã Đường Âm đã mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp cũng như giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững.