Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng tại huyện Cù Lao Dung

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tích cực chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả, sang các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo đó, huyện đã chuyển đổi hàng trăm hécta mía sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái, như: nhãn, dừa, xoài, ổi... Một trong hàng trăm hộ dân tại huyện Cù Lao Dung chuyển đổi cây trồng đem lại nguồn thu nhập tốt là ông Nguyễn Văn Quyết, xã An Thạnh 1.

Ông Nguyễn Văn Quyết (bìa trái), xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) giới thiệu trái ổi nữ hoàng, trồng theo quy trình VietGAP được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Nguyễn Văn Quyết (bìa trái), xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) giới thiệu trái ổi nữ hoàng, trồng theo quy trình VietGAP được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Ảnh: THÚY LIỄU

Vườn trồng cây ăn trái của ông Nguyễn Văn Quyết là mô hình chuyển đổi cây trồng rất thành công, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Quyết từ tốn chia sẻ: “Vườn ổi tôi trồng có diện tích 1ha, đây là khu vườn tôi chuyển đổi từ cây nhãn da bò sang trồng ổi và trồng nhãn xuồng tím ghép trên thân nhãn da bò. Thời điểm đầu, cây nhãn cho thu nhập tốt nhưng vài năm sau cây nhãn bị bệnh chổi rồng, tiêu tốn nhiều chi phí điều trị bệnh cho cây. Sau khi cây nhãn hết bệnh và phục hồi tốt thì giá nhãn bán ra thị trường chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Thấy vậy nên năm 2020, tôi tiến hành cắt bỏ toàn bộ thân cây nhãn, chỉ chừa lại gốc để ghép nhãn xuồng tím lên gốc nhãn da bò, cùng với đó trồng xen canh cây ổi nữ hoàng vào khu vườn nhãn. Cây ổi trồng khoảng 6 tháng, đã cho thu hoạch trái. Đến nay, vườn ổi đã thu hoạch trái gần 2 năm, sản lượng trái ngày một tăng và ổi cho trái quanh năm…”.

Theo lời ông Quyết, so với các loại cây trồng khác thì trồng cây ổi nữ hoàng thời gian cho trái nhanh, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư không lớn, thuận tiện trong việc trồng xen canh với các loại cây ăn trái khác. Thời gian sống của cây ổi lên đến hàng chục năm, nếu hộ canh tác biết cách chăm sóc, bảo quản cây đúng quy trình kỹ thuật. Cây ổi nữ hoàng do ông Quyết trồng được canh tác theo quy trình VietGAP, sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ, kết hợp các loại thuốc sinh học để đảm bảo trái sau thu hoạch an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường cao cấp. Nhờ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn trái cây “sạch”, trái ổi nữ hoàng được doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh bao tiêu đầu ra, giá mua cao hơn so với bên ngoài thị trường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.

“Hiện tại, vườn ổi nữ hoàng của gia đình tôi thu hoạch trái 4 đợt/tháng, tổng sản lượng 4 tấn trái. Theo kinh nghiệm, để vườn ổi thu hoạch trái được quanh năm, tôi chỉ việc cắt đọt ổi là cây sẽ tiếp tục ra hoa, đậu trái. Để trái ổi đạt chất lượng cung cấp thị trường cao cấp, ngoài việc sản xuất theo quy trình sạch, an toàn sức khỏe người tiêu dùng thì còn chú ý đến việc lựa chọn trái ổi để bao trái ngay từ lúc trái còn nhỏ (bằng đầu ngón chân cái). Trong các tháng mùa nắng, tôi bổ sung nước cho cây 1 lần/tuần. Với số lượng ổi thu hoạch mỗi tháng 4 tấn, trừ chi phí lợi nhuận hơn 270 triệu đồng/năm. Riêng cây nhãn xuồng tím ghép trên gốc nhãn da bò đã cho trái trong vụ đầu tiên vừa qua, sản lượng trái hơn 1 tấn. Dự kiến các vụ mùa tiếp theo, sản lượng nhãn xuồng tím sẽ tăng dần qua từng năm…” - ông Quyết thông tin thêm.

Ngoài vườn ổi nữ hoàng và nhãn xuồng tím ghép gốc nhãn da bò, ông Quyết còn có 1ha trồng xoài Đài Loan, đã thu hoạch trái hàng chục năm qua, đây cũng là diện tích trồng mía chuyển sang trồng xoài.

Đồng chí Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết: “Theo thống kê của đơn vị, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện hơn 4.700ha, trong đó có 31 vùng trồng tập trung, với diện tích 256ha, có 7 vùng được cấp mã vùng trồng, 2 vùng sản xuất theo quy trình VietGAP. Với diện tích trồng cây ăn trái như trên, có hàng trăm hécta các loại cây trồng kém hiệu quả và cây mía chuyển sang. Riêng ông Nguyễn Văn Quyết là hộ khá thành công trong việc chuyển đổi cây trồng cho kinh tế cao. Bên cạnh đó, ông Quyết còn là thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp An Phát, xã An Thạnh 1. Ổi nữ hoàng của hợp tác xã này đã đạt chứng nhận 3 sao OCOP, trong đó có ổi nữ hoàng của hộ ông Quyết, được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra…”.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/hieu-qua-tu-chuyen-doi-cay-trong-tai-huyen-cu-lao-dung-58880.html