Hiệu quả từ đề án hỗ trợ người nuôi cá lồng
Tại Hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thủy sản hồ Cửa Đạt, hiện có 16 hộ gia đình nuôi 106 lồng cá, đạt tổng sản lượng khoảng 150 tấn, thu về hơn 10 tỷ đồng/năm.
Kết quả này có được là nhờ vào đề án hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2019-2021 của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Từ đó, thị trấn Thường Xuân đã có cơ chế hỗ trợ mỗi hộ dân 10 triệu đồng để đóng mới mỗi lồng cá.
Là một trong những hộ đầu tiên tham gia nuôi cá lồng, anh Nguyễn Văn Sinh (36 tuổi, trú tại xã Ngọc Phụng) cho biết: Vào tháng 3/2018, anh bắt đầu mô hình nuôi cá lăng, diêu hồng trong lồng ở lòng hồ thủy điện Cửa Đạt với 4 lồng cá ban đầu. Do chưa có kinh nghiệm nên toàn bộ cá đều chết do bệnh sơ mang và nhiễm nấm vây. "Có lần, hơn 1 vạn cá lăng được thả xuống lồng bị trôi ra hồ. Nhìn cá bơi đi, rồi có người dân bắt được mà chỉ biết cười ra nước mắt. Mất trắng hơn 200 triệu đồng mà không làm được gì, những lúc ấy, chỉ muốn bỏ cuộc " - anh Sinh nhớ lại.
Được sự động viên của gia đình, anh Sinh đã đi khắp nơi để học hỏi, tìm hiểu cách chăm sóc, trị bệnh cho cá lồng. Về nhà, anh xây dựng diện tích lồng khoảng 108m3 nuôi được khoảng 3 tấn cá. Lồng phủ nhiều lớp lưới để tạo không gian rộng cho cá bơi lội thoải mái, khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh. Sau nhiều tháng thả lứa đầu tiên, đàn cá đạt trọng lượng tốt. Theo anh Sinh, nếu nuôi tốt thì mỗi năm sẽ thu được 2-3 tấn cá thương phẩm/lồng. Với giá bán cá lăng khoảng 100.000 - 110.000 đồng/kg; cá diêu hồng khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg, mỗi năm, anh xuất bán ra thị trường khoảng 40 tấn cá, thu về hơn 2 tỷ đồng, trừ hết chi phí, cũng đạt mức lãi 300-400 triệu đồng/năm.
Đến năm 2020, anh Sinh lên kế hoạch cùng 15 hộ dân đứng ra thành lập HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản hồ Cửa Đạt để cùng nhau tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, đồng thời, giúp các thành viên nuôi cá, bảo vệ vùng nuôi trồng và môi trường nước trên hồ. Hiện nay, HTX có hơn 100 lồng nuôi, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 150 tấn cá, đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng. HTX hiện đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động với mức lương từ 5 - 8 triệu đồng/tháng.
Ông Cầm Bá Đứng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: Tận dụng diện tích nguồn nước mặt của lòng hồ thủy điện để nuôi cá lồng chính là một hướng phát triển kinh tế mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng lòng hồ. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng các phương án hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng thủy sản, đồng thời hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, thức ăn, thời điểm thu hoạch để sản phẩm thủy sản đạt những tiêu chuẩn chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hieu-qua-tu-de-an-ho-tro-nguoi-nuoi-ca-long-5739480.html