Hiệu quả từ Dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo ở huyện Bá Thước
Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai thực hiện ở huyện Bá Thước, đã giúp người nghèo thay đổi tư duy, nhận thức trong cách làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất... Từ đó, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững.
Tham gia mô hình nuôi bò cái sinh sản, nhiều hộ dân ở xã Ái Thượng (Bá Thước) đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ các mô hình hiệu quả
Là một trong các hộ được lựa chọn tham gia dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, tháng 9-2020, gia đình bác Trương Văn Tho cùng 35 hộ nghèo khác (thuộc 15 thôn của xã Thiết Ống) được hỗ trợ 10 triệu đồng. Cùng với nguồn vốn đối ứng, gia đình bác đã mua 1 con bò để chăn nuôi. Bác Tho chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thiếu vốn sản xuất, chưa có kỹ thuật chăn nuôi. Từ khi tham gia dự án, chúng tôi được hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật, nâng cao kiến thức sản xuất... Từ đó, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, chủ động tự lực vươn lên phát triển sản xuất theo hướng đa cây, đa con trên mảnh đất của gia đình, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước giảm nghèo bền vững.
Tại xã Ái Thượng, trong 2 năm 2018, 2019, xã đã thực hiện 2 mô hình nuôi bò sinh sản do hội liên hiệp phụ nữ xã làm chủ, với 56 hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Ông Nguyễn Đức Lục, Chủ tịch UBND xã Ái Thượng, chia sẻ: Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Đặc biệt 3 năm liền, từ năm 2018 đến năm 2020 xã không còn tình trạng người dân thiếu đói dịp giáp hạt, không phải nhận gạo cứu đói như trước. Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm rõ rệt, năm 2017 xã có 299 hộ nghèo thì đến cuối năm 2020 chỉ còn 92 hộ, chiếm 7,05%. Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống tinh thần, vật chất của người dân không ngừng được nâng lên... là những tín hiệu khả quan, tạo động lực cho địa phương phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2021.
Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Bá Thước đã thực hiện được 14 mô hình giảm nghèo với 13 xã tham gia. Trong đó có 11 mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản và 3 mô hình chăn nuôi vịt Cổ Lũng thương phẩm. Ông Lê Phú Hiền, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước, cho biết: Việc triển khai thực hiện các mô hình đều đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, bình đẳng; phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở địa phương và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nhu cầu của các hộ tham gia... Trong tổng số 523 hộ tham gia mô hình (292 hộ nghèo và 231 hộ cận nghèo), đến nay đã có 336 hộ thoát nghèo bền vững. Số hộ còn lại phần lớn do dự án mới được triển khai thực hiện nên chưa cho kết quả.
Việc thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Bá Thước. Số lao động được giải quyết việc làm từ năm 2016 đến 2020 là gần 10.000 người, bằng 107% kế hoạch đề ra, trong đó, xuất khẩu lao động trên 1.800 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 50%. Nếu như tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 25,31%, thì đến năm 2020 giảm xuống còn 5,91%.
Giải pháp nhân rộng mô hình
Thực tế chỉ ra rằng, nơi nào cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể quan tâm, tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đồng thời, có cách làm sáng tạo, phát huy được lợi thế của địa phương và được Nhân dân nhiệt tình ủng hộ, thì ở đó việc thực hiện mô hình sẽ đạt hiệu quả cao. Để nhân rộng các mô hình giảm nghèo mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm và dạy nghề gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Bá Thước xác định đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân phải có nhận thức đúng và tích cực tham gia thực hiện. Nhất là đối với người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo phải xác định được vai trò chủ thể trong dự án, để chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nhằm vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, các xã cần tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng các chương trình, dự án, đối với công cuộc giảm nghèo ở địa phương. Lựa chọn hộ nghèo, cận nghèo chí thú làm ăn, có nhu cầu và nguyện vọng tham gia sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Trong quá trình thực hiện, cần tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của ban giám sát cộng đồng nhằm bảo đảm chất lượng con giống, phát huy hiệu quả vốn đầu tư để hộ nghèo, cận nghèo tin tưởng và tích cực tham gia. Lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người trực tiếp tham gia dự án, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và có giải pháp kịp thời khắc phục. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm để nhân ra diện rộng những điển hình hay cách làm sáng tạo. Lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn nhằm huy động tối đa nguồn lực để thực hiện dự án đạt hiệu quả hơn, nhân rộng được nhiều mô hình hơn.