Hiệu quả từ hệ thống ca-mê-ra giám sát đường phố
TP Hồ Chí Minh đang trong quá trình thực hiện đề án 'Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025'. Quá trình đó, không thể thiếu việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Việc lắp đặt các ca-mê-ra hiện đại, đồng bộ là một yếu tố giúp thành phố giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề, tình huống xuất hiện trong đời sống.
TP Hồ Chí Minh đang trong quá trình thực hiện đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Quá trình đó, không thể thiếu việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Việc lắp đặt các ca-mê-ra hiện đại, đồng bộ là một yếu tố giúp thành phố giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề, tình huống xuất hiện trong đời sống.
Dẫn chúng tôi đi một vòng các địa điểm có gắn ca-mê-ra, đại diện Công an quận 9 cho biết: Các ca-mê-ra trên địa bàn quận được gắn ở các vị trí trọng điểm về an ninh trật tự. Các hình ảnh thu được sẽ được truyền về Trung tâm giám sát hình ảnh ca-mê-ra quận 9. Từ đây, cán bộ sẽ xử lý đối với các hình ảnh trích xuất các sự việc “có vấn đề” đã, đang diễn ra để có hướng giải quyết nhanh nhất có thể. Ðại tá Trang Viết Thanh, Trưởng Công an quận 9 cho biết: Hệ thống ca-mê-ra hiện đại mới được trang bị có thể xoay 360 độ, chụp, phóng to, thu nhỏ hình ảnh... Ðây là một trong những hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự xã hội, mà còn nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Với hệ thống ca-mê-ra này, đơn vị hy vọng sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và đặc biệt là phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ngay từ đầu, không để vụ việc xảy ra mới truy xét. Theo Ðại tá Trang Viết Thanh, sau hơn một tháng đưa vào sử dụng, các hình ảnh từ trung tâm giám sát đã cung cấp các hình ảnh góp phần nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn của đơn vị.
Tương tự, tại quận Thủ Ðức, là địa bàn giáp ranh với hai tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai cho nên tình hình an ninh trật tự khá phức tạp. Ðể góp phần nâng cao hiệu quả công tác an ninh trật tự và trấn áp tội phạm, các ca-mê-ra đã được 12 phường lắp đặt, mang lại những hiệu quả nhất định. Từ hiệu quả của ca-mê-ra an ninh, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã cùng chung tay lắp đặt. Ðến nay, toàn quận đã có 1.200 “mắt thần” để ghi hình ảnh trên các tuyến đường của quận. Ðơn cử, tại khu vực chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Ðức (giáp ranh quận Thủ Ðức và tỉnh Bình Dương) là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa nông sản từ các tỉnh, thành phố trong cả nước nên tình hình khu vực hết sức phức tạp... Chính vì thế, chính quyền sở tại đã chủ động nắm bắt, thực hiện việc triển khai mô hình ca-mê-ra an ninh. Tương tự, các tuyến đường nhộn nhịp, đông phương tiện như: Tô Ngọc Vân, Gò Dưa, quốc lộ 1A, tỉnh lộ 43, quốc lộ 1 thuộc phường Tam Bình,... đều được gắn các “mắt thần” theo dõi. Nhờ đó, trong chín tháng đầu năm, Công an phường Tam Bình thông qua hình ảnh từ ca-mê-ra đã phát hiện và xử lý kịp thời ba vụ tụ tập đông người, cổ vũ, kéo thành đoàn đua xe trái phép; bốn vụ tụ tập thanh thiếu niên mang theo hung khí để giải quyết mâu thuẫn;... Còn tại quận 1, Trung tâm điều hành đô thị thông minh của quận đã tích hợp được hơn 1.100 “mắt thần” ca-mê-ra an ninh. Hơn hai năm qua, hệ thống này đã gửi hơn 14.700 tin nhắn cảnh báo về an ninh trật tự, an toàn giao thông... trên địa bàn để các cơ quan chức năng chủ động xử lý có hiệu quả. Tại quận 10, cũng nhờ có các hình ảnh từ ca-mê-ra, cơ quan chức năng đã xử lý kịp thời 26 vụ phạm pháp hình sự, sáu vụ cướp giật, 17 vụ trộm cắp tài sản; phát hiện 162 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, đối với quận 2, quận 9 và quận Thủ Ðức, việc lắp đặt ca-mê-ra giám sát đồng bộ và tích hợp được dữ liệu với trung tâm giám sát của thành phố sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hành chính đối với đề án thành phố Thủ Ðức mà thành phố đang triển khai. Theo Công an TP Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, việc lắp đặt ca-mê-ra tại các quận, huyện cho thấy những hiệu quả rất rõ rệt. Việc lắp đặt công khai, trực quan các ca-mê-ra giám sát tại các địa bàn như một cảnh báo đến các đối tượng tội phạm hình sự khi nhiều vụ phạm pháp hình sự đã được phá án nhanh chóng từ các dữ liệu ca-mê-ra cung cấp. Tương tự, đối với những người vi phạm hành chính về luật giao thông, hành vi gây ô nhiễm môi trường đều đã bị xử nguội với những hình ảnh “thuyết phục” từ các ca-mê-ra cung cấp. Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, với tính năng của các ca-mê-ra hiện đại hiện nay, các “mắt thần” có thể nhận diện biển số xe ô-tô chính xác tới 95,5%, xe hai bánh đạt 87,1%.
Từ trước đến nay, người dân, các đơn vị gắn ca-mê-ra thường chỉ dùng vào mục đích quan sát các tình huống xảy ra quanh khu vực sinh sống, làm việc. Thế nhưng, khi đề án xây dựng thành phố thông minh được triển khai, thành phố sẽ triển khai lắp đặt hơn 10.000 ca-mê-ra tại các vị trí trọng điểm và tích hợp dữ liệu về hệ thống giám sát chung theo lộ trình từ nay đến năm 2025. Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay, trên địa bàn thành phố có các hệ thống ca-mê-ra giám sát của nhiều đơn vị (Sở Giao thông vận tải, Công an và UBND các cấp) nhưng về tổng thể vẫn chưa có một quy hoạch về mạng lưới giám sát chung để khai thác tốt nguồn dữ liệu hình ảnh; chia sẻ dữ liệu với các đơn vị khác có cùng mục tiêu, đối tượng cần giám sát. Do đó, cần thiết phải triển khai quy hoạch tổng thể về mạng lưới giám sát cho thành phố để hướng đến mục tiêu chung là phục vụ người dân và quá trình xây dựng và phát triển của đô thị thông minh sau này.