Hiệu quả từ hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách

Những năm trước đây, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh huyện Kế Sách (Sóc Trăng) gặp rất nhiều khó khăn do nhiều yếu tố. Bằng những giải pháp điều hành, chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo và phù hợp, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã khắc phục tốt những tồn tại, hạn chế. Từ đó, hoạt động kinh doanh của đơn vị có nhiều khởi sắc.

Đồng chí Lưu Văn Thanh - Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Kế Sách cho biết: "Thời gian qua, đơn vị có sự chủ động và sáng tạo trong công việc; đồng thời, đoàn kết và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nên đã hoàn thành tương đối toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh được giao. Theo đó, đối với chỉ tiêu huy động vốn đạt kế hoạch là do công tác truyền thông được chi nhánh thực hiện tốt theo quy định của trụ sở chính và hướng dẫn, chỉ đạo của Agribank Chi nhánh tỉnh. Ngoài ra, đơn vị đã phát triển mạnh số lượng tài khoản thanh toán (số dư tiền gửi thanh toán của chi nhánh đến nay trên 225 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn huy động); đặc biệt, trong công tác tuyên truyền huy động vốn, đơn vị có sáng kiến tạo biểu lãi suất huy động theo cách trực quan, dễ hiểu để thuyết phục khách hàng (ví dụ khi khách hàng gửi 100 triệu đồng, ứng với kỳ hạn và lãi suất bao nhiêu thì khách hàng sẽ biết ngay tiền lãi 1 tháng của mình được hưởng bao nhiêu). Tổng nguồn vốn huy động của chi nhánh luôn đạt mức tăng trưởng khá, với mức tăng hơn 3,3 lần so thời điểm đầu năm 2016, bình quân hàng năm tăng 55,92%. Nguồn vốn huy động bình quân/cán bộ đạt 46,8 tỷ đồng, cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh hơn 18 tỷ đồng/người".

Nhờ nguồn vốn vay từ Agribank Chi nhánh huyện Kế Sách (Sóc Trăng), nhiều hộ dân đã vượt khó thoát nghèo. Ảnh: QUANG BÌNH

Nhờ nguồn vốn vay từ Agribank Chi nhánh huyện Kế Sách (Sóc Trăng), nhiều hộ dân đã vượt khó thoát nghèo. Ảnh: QUANG BÌNH

Về giải pháp phối hợp là giao và quán triệt biểu lãi suất huy động vốn đến tất cả cán bộ đơn vị để tuyên truyền thực hiện. Phối hợp nội bộ thì khi đi công tác địa bàn, cán bộ tín dụng tuyên truyền, vận động, cũng đồng thời là thực hiện chỉ tiêu của mình. Còn việc chăm sóc khách hàng thì chi nhánh thực hiện theo quy định của trụ sở chính và hướng dẫn chỉ đạo của Agribank Chi nhánh tỉnh. Quan trọng nhất vẫn là giao tiếp phục vụ khách hàng gửi/rút cho tốt, tạo được sự tin tưởng thì khách hàng sẽ ủng hộ. Đối với công tác đầu tư tín dụng, đơn vị luôn thực hiện tốt mục tiêu đầu tư tín dụng có hiệu quả, nguồn vốn cho vay phải bảo đảm thu hồi đầy đủ và đúng hạn. Trong quá trình thực hiện, Agribank Chi nhánh huyện Kế Sách đã họp bàn thống nhất để triển khai thực hiện đến cán bộ tín dụng là: cho vay phải gắn với bán chéo tối đa các sản phẩm dịch vụ gồm: tin nhắn nhắc nợ vay, bảo hiểm ABIC, tài khoản thanh toán, thẻ thấu chi…

“Giải pháp tạo lợi nhuận tối ưu đối với hoạt động cho vay là khi dư nợ còn thấp thì chi nhánh đẩy mạnh cho vay trung hạn để có số dư ổn định và mức chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra bảo đảm dương; sau đó chuyển đổi qua cho vay ngắn hạn/cho vay các phương thức hạn mức, để tăng vòng quay vốn, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện giúp cán bộ tín dụng quản trị được nợ vay, giúp tăng thu dịch vụ. Đối với việc tạo lợi nhuận tối ưu thông qua áp dụng lãi suất cho vay, thì chi nhánh thực hiện thẩm định tài chính minh bạch, lành mạnh để áp dụng lãi suất cho vay thông thường theo Thông tư số 39 của Ngân hàng Nhà nước và hướng dẫn thực hiện của ban lãnh đạo Agribank cấp trên… Còn việc quản trị nợ và chất lượng tín dụng thì chi nhánh tổ chức cho cán bộ học tập và làm theo quy định của trụ sở chính, cũng như hướng dẫn, chỉ đạo của Agribank Chi nhánh tỉnh. Và cũng nhờ lãnh đạo Agribank Chi nhánh tỉnh chỉ đạo sát sao, nhất là việc thông báo hàng tháng cán bộ tín dụng để tỷ lệ nợ xấu trên 2% phải được xử lý trách nhiệm, nên anh em có ý thức tự giác chấp hành, tỷ lệ nợ xấu của chi nhánh không vi phạm kế hoạch” - đồng chí Lưu Văn Thanh thông tin thêm.

Trong quá trình hoạt động, chi nhánh đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển sản phẩm dịch vụ. Vì vậy, hàng năm doanh thu phí dịch vụ của đơn vị luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao. Doanh thu dịch vụ năm 2021 của chi nhánh là 4,3 tỷ đồng, bình quân thu dịch vụ/lao động đạt 172 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh 33 triệu đồng/người. Hoạt động kế toán ngân quỹ tạo nguồn thu từ khách hàng như: dịch vụ thu hộ (tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại…), thu hộ ngân sách (thu thuế, phí, phạt hành chính…) nên thu dịch vụ từ hoạt động kế toán ngân quỹ chiếm tỷ trọng khá trong tổng thu của đơn vị. Chính vì vậy, từ năm 2016 đến nay, chi nhánh đã vươn lên trở thành một trong những đơn vị đứng hàng đầu về chất lượng hoạt động kinh doanh hàng năm. Lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước, bảo đảm chế độ tiền lương cho người lao động và đóng góp cho Agribank trong tỉnh. Để có thành tích nói trên là do chi nhánh thực hiện được tổng hợp các nguồn thu, trong đó có các giải pháp quan trọng là tạo lợi nhuận tối ưu thông qua hoạt động huy động vốn và hoạt động kế toán, thanh toán, cùng với thực hiện tốt mục tiêu đầu tư tín dụng có hiệu quả, nên đã tạo được biên độ lợi nhuận tối ưu. Qua đó, chi nhánh đạt được kết quả kinh doanh có hiệu quả, và hoạt động kinh doanh của chi nhánh luôn phát triển ổn định.

Luôn làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch (gửi tiền cũng như vay vốn), thấu hiểu được những khó khăn của hộ nông dân khi làm hồ sơ vay vốn, đội ngũ cán bộ tín dụng có trách nhiệm giúp khách hàng trong việc hoàn chỉnh bộ hồ sơ vay vốn, sau đó khách hàng chỉ cần đọc, hiểu, nắm rõ nội dung rồi đồng ý ký tên và khách hàng sẽ nhận được tiền vay ngay trong ngày làm việc.

Có được những kết quả nêu trên là nhờ công tác quản trị, điều hành của đơn vị được quan tâm đúng mức. Theo đó, lãnh đạo chi nhánh quản lý cán bộ chủ yếu bằng giáo dục, động viên (để tránh áp lực cho cán bộ), nhưng cũng quan tâm kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh. Đối với công tác chuyên môn, thì chi nhánh thực hiện quản lý bằng chỉ tiêu kế hoạch. Ngoài ra, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, để phát huy vị trí, vai trò của cán bộ và sức mạnh đoàn kết của tập thể. Cụ thể, cán bộ làm công tác chuyên môn phải chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao trên cơ sở tuân thủ quy chế, quy trình và đạo đức nghề nghiệp; chịu trách nhiệm chính đối với công việc của mình. Đối với lãnh đạo các phòng, phải chủ động thực hiện tốt vai trò tham mưu, giúp việc cho ban lãnh đạo; đồng thời, thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm soát, giám sát hoạt động cán bộ thuộc quyền. Đối với lãnh đạo chi nhánh, ngoài thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương thì không can thiệp sâu vào công việc của cán bộ (không biến cán bộ thành thư ký, chỉ biết ghi chép, hoàn thiện hồ sơ thủ tục), để tránh cán bộ có tư tưởng ỷ lại, lơ là công việc, thiếu trách nhiệm, nhưng hơn hết vẫn là phòng ngừa rủi ro (nhất là trong hoạt động cho vay).

“Ngoài ra, lãnh đạo chi nhánh luôn quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và động lực để cán bộ làm việc, thi đua phấn đấu, thông qua việc sâu sát triển khai học tập, quán triệt các văn bản để có sự thống nhất trong thực hiện; đồng thời, thực hiện tốt các phong trào thi đua, song song đó tổ chức họp kiểm điểm công tác định kỳ để đảm bảo tiến độ công việc theo kế hoạch” - đồng chí Lưu Văn Thanh cho biết thêm.

QUANG BÌNH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-hoat-dong-cua-ngan-hang-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-huyen-ke-sach-57682.html