Hiệu quả từ liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững
Xã Phú Hội, huyện Đức Trọng hiện có 6.700 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 2.700 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Những năm trở lại đây, nhận thấy lợi thế của việc liên kết sản xuất theo chuỗi nâng cao giá trị hàng hóa, Phú Hội đã nhanh chóng bắt nhịp và vận động người dân tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Theo chân anh Na Than Ha My - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội, về thôn Phú Bình vào những ngày đầu năm mới, cái nắng hanh giữa trưa như dịu lại đôi chút khi chúng tôi tới khu vực nhà kính trồng cà chua Hà Lan của K’Hoàng, bởi khu vực nhà kính được bao bọc bởi một hàng rào cây xanh tươi tốt đang đà phát triển.
Từng tốt nghiệp đại học ngành công nghệ sinh học, K’Hoàng (sinh năm 1986, là người dân tộc K’Ho hiện sinh sống tại thôn Phú Bình) luôn hiểu và ưu tiên việc phát triển kinh tế gắn với công tác bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp “sạch - đẹp - an toàn”. Theo chia sẻ của K’Hoàng, sau khi ra trường anh từng đi làm cho nhiều công ty cả trong nước và nước ngoài về sản phẩm công nghệ sinh học nông nghiệp. Sau gần 10 năm bôn ba, anh nhận ra bản thân vẫn muốn thử sức làm giàu trên mảnh đất quê hương bằng niềm đam mê trồng trọt. Với kinh nghiệm tích lũy được qua quá trình học tập, làm việc và tự mày mò nghiên cứu, anh bắt tay tự thực hiện 3 sào nhà kính trồng cà chua Hà Lan theo quy trình VietGAP tại mảnh đất của gia đình tại thôn Phú Bình. Sản phẩm trái cà chua Beef Hà Lan do trang trại gia đình anh trồng đảm bảo tiêu chuẩn và đã tìm được đối tác tại TP Hồ Chí Minh đưa sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Singapore. Bình quân mỗi ngày trang trại nhỏ của gia đình anh cung ứng cho thị trường khoảng 150 kg cà chua chất lượng cao, với giá bán 30.000 đồng/kg; trừ chi phí gia đình anh thu nhập 200 triệu đồng/sào/năm.
Anh vui vẻ chia sẻ: “Trước đây, mấy sào đất của gia đình cũng dùng để canh tác ngoài trời, trồng cà chua và lúa như bà con cùng thôn xóm, tuy nhiên năng suất không cao, đầu ra bấp bênh, được mùa mất giá, được giá lại mất mùa. Từ khi tìm hiểu và được xã vận động tham gia chuỗi liên kết sản xuất với các đối tác là các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, vấn đề đầu ra sản phẩm nông sản đã không còn là nỗi lo như trước; việc sản xuất theo đơn đặt hàng giúp tôi và các hộ tham gia liên kết không còn phải lo lắng về tình trạng được mùa mất giá, chỉ cần yên tâm sản xuất, đảm bảo chất lượng để giao sản phẩm cho khách hàng”.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội - Ha Nan Than My cho biết: “Những năm trước đây, mặc dù bà con trên địa bàn đã tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhưng do đầu ra nông sản không ổn định, nên đời sống kinh tế của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Vài năm trở lại đây, người dân xã Phú Hội đã nhận thức được rằng việc liên kết sản xuất sẽ mang lại thu nhập cao và ổn định hơn nên đã chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp lớn để tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, Phú Hội hiện là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong toàn huyện; có trên 780 hộ tham gia vào các mô hình liên kết sản xuất rau, củ, quả các loại với nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, đa số các hộ tham gia đều có ký kết hợp đồng sản xuất theo hướng bền vững. Có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa như Công ty TNHH Phong Thúy… Khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất, người nông dân chỉ việc lo về khâu sản xuất, còn giống và khâu kỹ thuật, các đơn vị liên kết sẽ hỗ trợ người dân. Nhìn chung, bà con nông dân không chỉ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, mà đã biết sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn mà Nhà nước cho phép”.
Có thể nói, nhờ thay đổi tư duy trong định hướng sản xuất, chú trọng đến yếu tố thị trường, mạnh dạn tham gia chuỗi liên kết sản xuất, sản phẩm nông nghiệp có đầu ra ổn định, bán với giá tốt đã và đang góp phần nâng cao đời sống cho nhiều hộ nông dân xã Phú Hội.