Hiệu quả từ mô hình '3 quản' tại thị trấn Krông Klang
Thời gian qua, công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, có những chuyển biến tích cực. Có được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng công an thị trấn đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy, đồng thời xây dựng, đẩy mạnh các mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mô hình '3 quản' là một trong số các phong trào đó.
Thị trấn Krông Klang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Đakrông. Địa bàn, dân cư phân bố chủ yếu dọc tuyến Quốc lộ 9 và trên tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên, Mò Ó. Giao thông đi lại thuận lợi tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, cùng với đó, tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cũng có những diễn biến phức tạp, trong đó có tình trạng mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Công an tỉnh, Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Ban Thường vụ Huyện ủy Đakrông về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn huyện Đakrông giai đoạn 2019-2024”; Kế hoạch số 70 ngày 31/3/2020, của UBND huyện Đakrông về xây dựng mô hình “3 quản” đối với đối tượng sử dụng, có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn huyện Đakrông, UBND thị trấn Krông Klang đã tiến hành rà soát tình hình thực tế các đối tượng sử dụng, có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn.
Tháng 7/2020, mô hình “3 quản” của thị trấn Krông Klang ra mắt, trong đó ban điều hành mô hình có sự tham gia của lãnh đạo chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn. Mô hình này nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội phối hợp với lực lượng công an trong quản lý, giúp đỡ các đối tượng sử dụng, có nguy cơ sử dụng trái phép các chất ma túy từ bỏ ma túy, tập trung làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và trở thành người có ích cho xã hội.
Sau khi thành lập, ban điều hành mô hình đã phân công nhiệm vụ, địa bàn, đối tượng thuộc diện quản lý một cách cụ thể để các thành viên chủ động trong việc quản lý, giáo dục; hỗ trợ ban quản lý khóm, tổ bảo vệ dân phố và gia đình của các đối tượng trong việc quản lý đối tượng.
Hàng tuần, các thành viên ban điều hành đều tổ chức gặp gỡ gia đình của đối tượng để nắm bắt diễn biến hoạt động, việc làm, mối quan hệ và phương tiện mà đối tượng sử dụng hằng ngày. Bên cạnh đó, các thành viên mô hình cũng đã tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng để chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhằm có giải pháp cụ thể trong việc hỗ trợ, giúp đỡ.
Các thành viên ban điều hành, khóm trưởng, tổ bảo vệ dân phố cũng đã dựa vào cộng đồng thôn, khóm, nơi các đối tượng nghiện ma túy sinh sống để nắm bắt thêm thông tin. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để quần chúng nhân dân hiểu rõ tác hại của ma túy, từ đó giúp đỡ lực lượng chức năng trong công tác giáo dục, quản lý người sử dụng, người có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn.
Định kỳ, ban điều hành mô hình tổ chức họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện của các thành viên, tình hình hoạt động của ban bảo vệ dân phố, ban quản lý các khóm, mức độ tiến bộ của các đối tượng thuộc quản lý của mô hình để có sự điều chỉnh phù hợp, cũng như chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên, khóm trưởng, tổ bảo vệ dân phố.
Qua quá trình triển khai xây dựng mô hình, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thị trấn đã có nhiều chuyển biến tích cực; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong việc triển khai các giải pháp quản lý đối tượng sử dụng, có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy.
Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, đoàn thanh niên, hội phụ nữ xã… đã phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động các đối tượng sử dụng chất ma túy, giúp đỡ, hỗ trợ các đối tượng có việc làm ổn định, sống có ích cho gia đình và xã hội. Những gia đình có các đối tượng sử dụng, có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn đều được tuyên truyền về tác hại của ma túy và tội phạm ma túy nên tích cực hưởng ứng, phối hợp với lực lượng chức năng để quản lý đối tượng thuộc diện quản lý của mô hình.
Đến nay, qua hơn 2 năm hoạt động, với phương châm “Quản lý chặt chẽ, tuyên truyền thường xuyên”, Ban điều hành mô hình “3 quản” thị trấn Krông Klang đã phối hợp với gia đình các đối tượng sử dụng, có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện tốt việc quản lý giáo dục 9 đối tượng, trong đó có 7 đối tượng tiến bộ rõ rệt, có ý thức giảm thiểu tiến đến từ bỏ hẳn ma túy và tìm kiếm việc làm phù hợp.