Hiệu quả từ mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản ở huyện Thường Xuân
Trong những năm qua, chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản trên địa bàn huyện miền núi Thường Xuân được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả tích cực. Đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã thể hiện được vai trò 'thủ lĩnh', làm tròn 2 vai ở cơ sở, góp phần là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân trong việc tuyên truyền, triển khai, thực hiện các đường lối, chính sách...
Thực hiện chủ trương về nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, trong những năm qua Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, đạt kết quả khá toàn diện từ quán triệt chủ trương, tổ chức thực hiện. Thực tế cho thấy, việc nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản đã giúp cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, giảm được đối tượng hưởng phụ cấp ở cơ sở. Góp phần tiết kiệm được ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện để cán bộ yên tâm công tác, gắn trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, giảm thời gian hội họp... tại cơ sở.
Anh Lê Thành Dũng (sinh năm 1986) là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Thống Nhất 3, xã Xuân Dương từ năm 2018. Việc đảm nhận cả 2 chức danh giúp anh rút ngắn được thời gian triển khai công việc thuận lợi và nhanh chóng. Hơn nữa, những ý kiến đóng góp, phản hồi của bà con cũng đến được với các cấp chính quyền thuận lợi, thống nhất hơn. Anh Dũng cho biết: Thống Nhất 3 là một trong 6 thôn có diện tích, dân số đông trong xã với trên 2.000 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Kinh. Việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn khiến một số vấn đề “nóng” được đưa ra bàn bạc ngay trong cấp ủy, chi bộ giải quyết, xử lý kịp thời, không để tồn đọng, kéo dài".
Với trách nhiệm, uy tín của mình, anh Lê Thành Dũng đã phối hợp với các lực lượng đoàn thể trong xã, thôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân góp công sức, tiền của thực hiện XDNTM. Đến nay, bộ mặt của thôn đã đổi thay, đường làng sạch sẽ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, an ninh trật tự cơ bản được duy trì ổn định. Ngoài trồng cây lúa, nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển kinh doanh, dịch vụ... đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đã bước sang độ tuổi ngũ tuần, nhưng bà Hà Thị Thủy, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Cao Tiến, xã Luận Thành vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát trong mỗi hoạt động của địa phương. Đảm nhận “2 vai” cùng lúc, ban đầu bà Thủy không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng. Được “Đảng cử, dân tin”, bà luôn dành nhiều thời gian cho công việc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đảng viên và Nhân dân. Trên cương vị bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bà cùng với chi ủy, ban công tác mặt trận và các tổ chức đoàn thể tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đai để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Với sự đoàn kết, quyết tâm cao của cán bộ, đảng viên, năm 2023 thôn Cao Tiến đã vận động người dân hiến đất làm 1,5km đường mương, lắp đặt hệ thống cột điện chiếu sáng ở thôn với tổng giá trị trên 12 triệu đồng từ nguồn kêu gọi xã hội hóa...
Ông Hà Huy Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Luận Thành chia sẻ: Việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đội ngũ trên là lực lượng nòng cốt, hiện thực hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Tuy vậy, do cùng một lúc thực hiện “2 vai” nên khối lượng công việc tăng, bị chi phối nhiều thời gian, đòi hỏi phải bố trí công việc hài hòa hợp lý. Bên cạnh đó, đội ngũ này thường có độ tuổi cao, tuy nhiệt tình, năng nổ nhưng để hoạt động có khuôn khổ, bài bản thì rất khó khăn vì không được đào tạo kiến thức chuyên môn, thiếu các kỹ năng trong công tác, một số người sức khỏe không đảm bảo. Thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch, rà soát, xác định nguồn cán bộ cấp thôn từ đầu, ưu tiên cán bộ trẻ đảm nhiệm chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Đồng thời, chủ động đề nghị cấp trên thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao trình độ cho đội ngũ này, nhất là khi có chủ trương, chính sách mới...
“Thường Xuân là huyện miền núi phía Tây của tỉnh, với tổng dân số gần 95.000 người, chủ yếu là nơi sinh sống của đồng bào Thái, Mường, Kinh. Hiện nay, huyện có 20/124 thôn, bản duy trì mô hình này. Để nâng cao chất lượng của đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, thời gian tới bên cạnh việc tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền tính ưu việt và những kết quả thực hiện mô hình ở địa phương huyện cũng sẽ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tạo nguồn cho chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tổ chức các đoàn nghiên cứu thực tế. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, động viên kịp thời những bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, tổ dân phố thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Quan tâm đến việc thực hiện chế độ, chính sách giúp họ yên tâm, cống hiến công sức cho quê hương, thôn, bản", đồng chí Lê Thanh Hải, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Thường Xuân cho biết.