Hiệu quả từ mô hình Cà phê sách chuyển đổi số
Gần 3 tháng mô hình Cà phê sách chuyển đổi số (CĐS) tại thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) đi vào hoạt động đã đón nhận sự quan tâm của nhiều người dân.
Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Nguyễn Hữu Thành cho hay, mỗi quán cà phê triển khai mô hình này sẽ được hỗ trợ một kệ sách bao gồm các sách về văn hóa, lịch sử, kiến thức đời sống… tạo thuận lợi cho người dân vừa thưởng thức đồ uống, vừa đọc sách thư giãn; góp phần khơi dậy văn hóa đọc, thúc đẩy CĐS và các nội dung về cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn huyện.
Từ những nơi thí điểm
Cũng theo ông Thành, sau 3 tháng triển khai (từ tháng 8 đến 11-2024), mô hình được thực hiện ở 6/14 đơn vị cấp xã với gần 10 quán cà phê áp dụng. Mỗi mô hình Cà phê sách CĐS có một kệ sách với trên 300 đầu sách, kèm theo các pa-nô, mã QR và một bảng lớn thông tin 25 tiêu chí về CCHC để người dân có thể tiếp cận.
Quán cà phê 130, khu Kim Sơn, thị trấn Long Thành là điểm đầu tiên được UBND thị trấn Long Thành thí điểm thực hiện mô hình. Khi vào quán, khách hàng được thưởng thức đồ uống trong khuôn viên yên tĩnh, thoáng mát, đồng thời nâng cao kiến thức bằng cách đọc sách tại kệ sách hoặc quét mã QR để đọc sách. Một thuận lợi nữa là khách đến quán cà phê có thể gọi đồ uống, thanh toán bằng cách quét mã QR nhằm thúc đẩy thanh toán trực tuyến.
Bà Vũ Thị Hảo, chủ quán cà phê 130, cho hay: “So với trước khi triển khai mô hình, lượng khách tăng trên 30%, nhất là vào các buổi sáng và những ngày cuối tuần”.
Anh Nguyễn Vân Đình, học viên cao học đang viết luận văn tốt nghiệp, khi đến quán cà phê 130 chia sẻ: “Rất thuận lợi để những người trẻ như chúng tôi hiểu thêm về những nền văn hóa, lại có thể tìm thấy nhiều thông tin cần thiết, hữu ích khi đến quán cà phê này”.
Phó chủ tịch UBND thị trấn Long Thành LÊ ĐÌNH TÍNH cho biết, sau thành công bước đầu từ mô hình Cà phê sách CĐS tại quán cà phê 130 và Gió Mới, thời gian tới, thị trấn sẽ tiếp tục khảo sát, hỗ trợ 20 quán cà phê có diện tích đáp ứng được các tiêu chí về CĐS để tiếp tục nhân rộng.
Tiếp tục nhân rộng trên địa bàn
Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Long Thành Lê Khắc Toàn, thành viên Ban Chỉ đạo CCHC huyện, cho hay việc triển khai mô hình Cà phê sách CĐS không chỉ mang lại lợi ích cho người kinh doanh, khách uống cà phê mà tại các địa điểm này, Ban Chỉ đạo CCHC huyện còn bố trí những bảng tuyên truyền pháp luật; hỗ trợ kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thông qua quét mã QR; hỗ trợ nâng cấp sim 2G thành 4G; hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt…
“Đây là một trong những giải pháp thúc đẩy CĐS và thanh toán không dùng tiền mặt tại địa bàn” - ông Toàn nhấn mạnh.
Ông Toàn nêu ví dụ, nếu sách, báo để tại các bộ phận một cửa hoặc trung tâm hành chính sẽ rất khó cho người dân có thể đến mượn sách, đọc sách. Thực hiện mô hình Cà phê sách CĐS, những người trẻ, am hiểu công nghệ có thể hỗ trợ để giúp người dân hạn chế về công nghệ nhưng lại mê đọc sách có thể quét mã QR đọc sách hoặc trực tiếp đọc trên kệ sách.
Bà Huỳnh Hương (ngụ khu phố Phước Hải) thường xuyên đọc sách tại quán cà phê Gió Mới bộc bạch: “Tôi vẫn có thói quen đọc sách trực tiếp nhưng mới đây, khi đến uống cà phê tôi được các bạn trẻ hướng dẫn đọc sách bằng cách quét mã QR nên hiện tại, việc đọc sách trực tuyến đối với tôi đã dễ dàng, thuận tiện hơn”.
Ông Lê Khắc Toàn cho rằng, muốn đẩy mạnh CĐS, xây dựng xã hội số trước hết phải có công dân số. Do đó, những quán cà phê sách CĐS đã và đang góp phần nhân rộng, phổ cập công nghệ số đến với người dân. Mô hình này đã góp phần thúc đẩy lượng thanh toán trực tuyến của thị trấn Long Thành đạt trên 96%, tăng rất nhiều so với năm trước đó.