Hiệu quả từ mô hình Câu lạc bộ Hiệu trưởng trung học cơ sở

Trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Bình Dương không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý và giảng dạy. Trong đó, Câu lạc bộ Hiệu trưởng THCS của ngành giáo dục Bình Dương đang trở thành mô hình tiên phong trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản lý trong ngành giáo dục.

Tại các buổi sinh hoạt thành viên CLB cùng nhau đóng góp ý kiến, thảo luận vấn đề, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau

Đổi mới quản lý giáo dục

Câu lạc bộ (CLB) Hiệu trưởng THCS được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành lập vào năm 2018, với mục tiêu xây dựng một diễn đàn mở, nơi các hiệu trưởng chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau tìm kiếm giải pháp đổi mới giáo dục, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy và quản lý trường học. Bên cạnh đó, CLB còn có nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo ngành các chủ trương, chính sách đối với cấp THCS.

CLB hiện có 16 người nằm trong ban chủ nhiệm; thành viên là tất cả hiệu trưởng của các trường THCS trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, CLB có nhiều hoạt động như tổ chức các hội thảo chuyên đề để các hiệu trưởng được cập nhật những xu hướng giáo dục mới, phương pháp quản lý hiệu quả. Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, tìm hiểu những mô hình giáo dục hiện đại tại các tỉnh, thành khác. Kết nối với các chuyên gia giáo dục trong và ngoài tỉnh để chia sẻ kinh nghiệm…

Mới đây, CLB đã tổ chức hội thảo chuyên đề về phát triển giáo dục STEM trong thời đại chuyển đổi số. Giáo dục STEM là vấn đề được Sở GD&ĐT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đổi mới phương pháp dạy và học, từ đó khơi dậy niềm đam mê khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học cho học sinh.

Tại hội thảo, đại diện các đơn vị cũng đã góp ý xây dựng cho nội dung của chuyên đề; chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác triển khai quản lý và tổ chức phát triển giáo dục STEM trong thời đại công nghệ ở các trường THCS. Đồng thời, các thành viên trong CLB cũng đã tập trung thảo luận, trao đổi về các vấn đề về vai trò và tầm quan trọng của giáo dục STEM trong thời đại công nghệ số; các mô hình triển khai giáo dục STEM hiệu quả tại các trường THCS; ứng dụng công nghệ số trong dạy và học các môn STEM; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục STEM…

Thầy Lê Minh Thu, Hiệu trưởng trường THCS Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, cho biết những buổi hội thảo chuyên đề như thế là cơ hội để lãnh đạo các trường cùng nhau nhìn nhận, đánh giá thực trạng, chia sẻ những mô hình hay, kinh nghiệm tốt và đề xuất những giải pháp khả thi để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giáo dục STEM tại các trường THCS.

Thông qua buổi hội thảo này, CLB Hiệu trưởng THCS đã tạo ra một sân chơi hữu ích, góp phần vào việc đề xuất những giải pháp cải tiến chương trình dạy và học tại các trường. Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Chủ nhiệm CLB, CLB sẽ tiến hành tổ chức sinh hoạt định kỳ và tiến hành tổ chức hội thảo trong năm học 4 lần với những chủ đề đang được quan tâm của ngành giáo dục.

Cũng theo lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh, thông qua các cuộc họp định kỳ, hội thảo chuyên đề và các hoạt động thực tế, CLB đã giúp các nhà quản lý có thêm nhiều góc nhìn mới trong việc quản lý và điều hành trường học. CLB thực sự là sợi dây nối dài giữa Sở GD&ĐT với các trường THCS.

Phát huy hiệu quả

Sau 7 năm hoạt động, CLB đã góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ quản lý giáo dục. CLB không chỉ giúp học hỏi kiến thức mới, mà còn tạo động lực đổi mới trong các trường. Đặc biệt, các buổi trao đổi chuyên sâu về những thách thức trong việc bảo đảm chương trình giáo dục mới, ứng dụng công nghệ trong giáo dục và đổi mới phương pháp giảng dạy nhận được nhiều đánh giá cao của các thành viên trong CLB.

Thầy Lê Văn Hải, Hiệu trưởng trường THCS Định Hiệp (huyện Dầu Tiếng), chia sẻ: “Tham gia CLB là cơ hội cho các nhà quản lý của các trường THCS trên địa bàn tỉnh giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Thông qua mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề, hội thảo, chúng tôi nắm được tình hình các trường, học hỏi những cách làm hay, những giải pháp quản lý hiệu quả, từ đó lựa chọn những cái phù hợp với điều kiện thực tế về áp dụng cho trường mình”.

Cô Phạm Thị Dạ Thảo, Hiệu trưởng trường THCS Hội Nghĩa (TP.Tân Uyên), cho rằng tại các buổi sinh hoạt định kỳ, hiệu trưởng các trường THCS cũng có thể trình bày những khó khăn, vướng mắc tại các đơn vị trong quá trình dạy học cũng như quản lý. “CLB giúp chúng tôi có diễn đàn trao đổi những khó khăn trong quản lý, nhận được đóng góp từ các đồng nghiệp để đề xuất những giải pháp hữu hiệu cho từng trường. Đây thực sự là một môi trường sinh hoạt bổ ích. Hy vọng trong thời gian tới, CLB tiếp tục được duy trì cũng như có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa để tạo một sân chơi bổ ích cho các nhà quản lý trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, để cùng nhau xây dựng ngành giáo dục ngày càng phát triển hơn”, cô Dạ Thảo cho biết thêm.

Đến nay, CLB Hiệu trưởng THCS đang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng một nền tảng quản lý hiện đại cho tổng thể các trường THCS tại Bình Dương. Việc duy trì và phát triển mô hình không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự đổi mới trong công tác quản lý trường học. Đây là một cách làm cần nhân rộng, góp phần đưa giáo dục Bình Dương ngày càng phát triển bền vững.

“Nhờ hoạt động của CLB Hiệu trưởng THCS, các trường THCS trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao năng lực quản lý và giảng dạy, CLB còn tạo điều kiện cho các trường phối hợp với nhau trong nhiều hoạt động khác.

Trong thời gian tới, CLB sẽ cố gắng đẩy mạnh các hoạt động đổi mới để mở rộng mô hình. Các thành viên trong Ban Chủ nhiệm CLB cố gắng tìm những hướng đi mới giúp tăng tính hiệu quả của CLB”, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc sở GD&ĐT cho biết.

TUỆ NHI

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-cau-lac-bo-hieu-truong-trung-hoc-co-so-a344543.html