Hiệu quả từ mô hình Công tác xã hội học đường
Từ năm học 2014-2015, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện mô hình Công tác xã hội học đường nhằm gắn kết giáo viên và học sinh, gia đình và nhà trường trong các hoạt động giáo dục...
Chung tay chăm lo giáo dục đạo đức HS
Thực hiện Quyết định số 1501 của Thủ tướng, Sở GD&ĐT An Giang đã nghiên cứu và chủ động phối hợp với các sở, ngành xây dựng nhiều hoạt động giáo dục. Trong đó mô hình “Công tác xã hội học đường” được Sở GD&ĐT phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh thực hiện từ năm học 2014 – 2015 đến nay.
Hằng năm, hai ngành phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ tham vấn, kỹ năng làm việc với học sinh cho lãnh đạo các phòng GD&ĐT, nhà trường, cán bộ Đoàn - Đội trường học, cán bộ làm công tác trẻ em ở địa phương...
Ban đầu lớp tập huấn chỉ dành cho cán bộ, giáo viên của các trường học được hỗ trợ kinh phí thực hiện. Về sau, đối tượng tập huấn ngày càng mở rộng cho các trường lân cận trên địa bàn. Bên cạnh đó, hai ngành còn tổ chức nhiều buổi hội thảo chuyên đề để tất cả trường đều được tiếp cận với nội dung, kiến thức và cách triển khai, chủ động áp dụng mô hình Công tác xã hội học đường tại đơn vị sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Mô hình “Công tác xã hội học đường” đã trở thành hoạt động quan trọng trong trường phổ thông hiện nay, có tác động đến học sinh và cả nhà trường, là công cụ để thúc đẩy nhà trường đạt được các mục tiêu học tập, giảng dạy. Đồng thời giúp học sinh nâng cao khả năng đáp ứng các nhiệm vụ học tập của mình thông qua sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Những vấn đề về tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, nhất là ở THCS sẽ được quan tâm hơn và có những định hướng giáo dục đúng đắn, giúp các em có chọn lựa phù hợp, biết giao tiếp, ứng xử chuẩn mực. Nhà trường qua đó cũng kịp thời hỗ trợ học sinh những khó khăn trong học tập, sinh hoạt, mô hình trở thành cầu nối gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong hoạt động giáo dục.
Thực hiện mô hình Công tác xã hội học đường, nhiều đơn vị trường học đã có cách làm sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, phòng, chống bạo lực học đường như: phối hợp với cơ quan công an và chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình, các vướng mắc phát sinh; thực hiện các giải pháp phòng ngừa bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học; lắp đặt camera an ninh; lập hòm thư “Những điều em muốn nói”; công khai đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường...
Các đơn vị trường học đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, hội thi phù hợp với tâm lý lứa tuổi và nhu cầu của các em. Nhà trường đã lồng ghép các nội dung giáo dục về tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bạn, tình yêu, công tác bình đẳng giới, giao tiếp văn hóa ứng xử, các kiến thức phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục, giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên thông qua các hoạt động cụ thể như: Hội Khỏe Phù Đổng, Hội thi Ca–Múa–Nhạc, vẽ tranh, cắm hoa, thiệp chúc mừng nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Nhà giáo Việt Nam 20/11; ngày Tết Nam Bộ, cắm trại mừng xuân, ngày hội Gia đình yêu thương, ngày hội Tuổi chúng mình, hội thi tuyên truyền Bình đẳng giới...
"Từ hoạt động được tổ chức tại trường, lớp, em cùng các bạn hiểu rõ về pháp luật, bình đẳng giới, kiến thức phòng chống xâm hại, được tham gia các hoạt động, em mở rộng được kiến thức. Qua đó tình bạn cũng được gắn kết hơn", em Lê Mỹ Linh, học sinh lớp 9A1 Trường THCS Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu chia sẻ.
Đồng hành cùng công tác xã hội học đường gần 3 năm, ông Lê Phú Hữu, phụ huynh học sinh Trường THCS Vĩnh Xương chia sẻ: Do tính chất công việc đi làm xa nên thời gian gần con rất ít, khó trong việc giao tiếp với con gái, đặc biệt là các vấn đề tuổi mới lớn. Những năm qua, được nhà trường hỗ trợ nên tôi hiểu được con nhiều hơn, đặc biệt là vấn đề tâm sinh lý của con. Có lúc con gặp khó khăn về vấn đề tuổi mới lớn, biểu hiện tâm lý không tốt. Cũng nhờ sự hỗ trợ của nhà trường và thầy cô, gia đình tôi gắn kết hơn, con tôi cũng tập trung chăm lo vào việc học hơn...
Hiệu quả tích cực
Một trong các đơn vị đầu tiên thực hiện mô hình, cán bộ, giáo viên Trường THCS Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu) đã tham gia nhiều Hội nghị, tập huấn về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện “Công tác xã hội học đường” và triển khai nhiều hoạt động có liên quan.
Qua đó, nhà trường tăng cường công tác quản lý, tích cực phối hợp với cơ quan công an và chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời vấn đề phát sinh, thực hiện các giải pháp phòng ngừa bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học: Lắp đặt camera an ninh, lập hòm thư “Những điều em muốn nói”.
Bố trí lực lượng bảo vệ bảo đảm duy trì tình hình an ninh, trật tự khu vực trường học; phối hợp, cung cấp thông tin, tình hình các đối tượng có biểu hiện hoạt động phức tạp tại khu vực trường học cho lực lượng Công an.
Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp cùng UBND xã Vĩnh Xương, Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức tuyên truyền phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống mua bán người qua biên giới bằng hình thức sân khấu hóa; Phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện thành lập câu lạc bộ Quyền trẻ em.
Theo lãnh đạo Trường THCS Vĩnh Xương, các hoạt động này được nhà trường duy trì và thường xuyên sử dụng trong các giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ngoài khóa, qua đó giúp học sinh có thêm kiến thức, sự hiểu biết và trở thành tuyên truyền viên trong chính gia đình, cộng đồng xung quanh mình.
Theo Sở GD&ĐT An Giang, thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Lao động phát huy, nhân rộng mô hình Công tác xã hội học đường cho nhiều đơn vị trường học trong tỉnh. Tổng kết, đánh giá lại hiệu quả của hoạt động nhằm tìm ra nhiều giải pháp thiết thực, tích cực hơn cho công tác chăm sóc, bảo vệ, trẻ em, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và phòng chống mua bán người...
Cô Phan Thị Ngọc Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu) cho biết: Qua hơn 5 năm triển khai mô hình, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, cung cấp kiến thức về giới và kỹ năng cho học sinh. Đồng thời, qua các đợt tập huấn, đội ngũ giáo viên cũng thay đổi cách tiếp cận, kỹ năng trong việc trao đổi và nắm bắt tâm lý phụ huynh học sinh và học sinh. Đến nay, nhà trường đã duy trì hoạt động phòng tham vấn, qua đó giúp học sinh giải đáp những thắc mắc, khó khăn trong học tập cũng như tâm sinh lý các em ở tuổi mới lớn.
Theo cô Thu, hằng năm, nhà trường đều cử 5 cán bộ giáo viên tham gia các lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện Công tác xã hội học đường. Mặc dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về công tác phí hỗ trợ giáo viên tham gia, nhưng các thầy cô giáo vẫn gắn bó và duy trì các hoạt động tham vấn học đường...
Đến nay, ngành Giáo dục và Lao động tỉnh An Giang đã duy trì, phát triển và hỗ trợ kinh phí cho 17 trường thực hiện mô hình (5/11 huyện), bước đầu tập trung hỗ trợ cho các đơn vị ở vùng khó khăn, biên giới. Bên cạnh đó, vận động, khuyến khích các đơn vị thuận lợi thực hiện xã hội hóa cho công tác xã hội học đường.