Hiệu quả từ mô hình Đan lát các sản phẩm từ lục bình

Về ấp 1, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An hỏi về mô hình Đan lát các sản phẩm từ lục bình của chị Lê Thị Điền, ai cũng biết. Mô hình không chỉ giúp gia đình chị Điền vươn lên khá giả mà còn góp phần giúp đỡ nhiều chị em có việc làm ổn định, nhất là trong mùa dịch Covid-19.

Chị Lê Thị Điền được biết đến là người phụ nữ vừa nhiệt tình với công tác xã hội, vừa giúp nhiều phụ nữ địa phương có việc làm ổn định thông qua mô hình Đan lát các sản phẩm từ lục bình. Hiện chị là đại biểu HĐND xã Long Thạnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã và là cộng tác viên dân số - gia đình và trẻ em. Nhằm giúp chị em có thêm thu nhập, năm 2017, chị thành lập mô hình Đan lát các sản phẩm từ lục bình và duy trì đến nay.

Mô hình Đan lát các sản phẩm từ lục bình không chỉ giúp gia đình chị Lê Thị Điền vươn lên khá giả mà còn góp phần giúp nhiều chị em có việc làm ổn định, nhất là trong mùa dịch Covid-19

Mô hình Đan lát các sản phẩm từ lục bình không chỉ giúp gia đình chị Lê Thị Điền vươn lên khá giả mà còn góp phần giúp nhiều chị em có việc làm ổn định, nhất là trong mùa dịch Covid-19

Ban đầu, chị đến nhà người chị ruột tại xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa để đan lát các sản phẩm từ lục bình. Nhận thấy những lợi ích từ công việc này, chị liên hệ công ty sản xuất hàng mỹ nghệ ở Tiền Giang để nhập nguyên liệu và vận động các chị em tại địa phương cùng tham gia. Sau đó, công ty đến giao khung, hướng dẫn cách làm và sau 2 tuần đến nhận thành phẩm. Từ ngày có thêm nghề đan lát lục bình với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng, gia đình chị có cuộc sống ngày càng ổn định.

Chị Lê Thị Điền chia sẻ: “Các công đoạn thực hiện rất đơn giản, dễ làm. Một người chỉ cần vài giờ hoặc tối đa 1 ngày là có thể học thành thạo các thao tác, mỗi người có thể kiếm được trung bình từ 3 - 4 triệu đồng/tháng từ nghề này. Thay vì lấy tất cả các nguyên liệu sẵn có của công ty, tôi chỉ lấy khung, còn lục bình thì tìm mua của người dân trên địa bàn xã”.

Từ khi thành lập mô hình đến nay, ngày càng nhiều người tìm đến chị Điền để học cách đan lục bình và nhận nguyên liệu về nhà làm. Nhiều người có con nhỏ hay lớn tuổi, muốn làm nhưng điều kiện đi lại khó khăn thì chị Điền sẵn sàng chạy xe đạp đem nguyên liệu tới tận nhà, khi nào làm xong thì chị đến lấy. Người làm cùng chị Điền không chỉ là những phụ nữ có con nhỏ, người lớn tuổi không có việc làm ổn định mà còn có cả học sinh muốn kiếm thêm thu nhập phụ giúp cha mẹ. Hiện mô hình giúp 60 phụ nữ có thêm thu nhập ổn định và giúp nhiều hộ dân có điểm tiêu thụ lục bình.

Nhờ sự hướng dẫn tận tình của chị Lê Thị Điền, các chị em tham gia đan lát với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú như đan sọt, kệ, thùng,... với nhiều kích cỡ khác nhau. Mùa dịch Covid-19, nhiều chị em thất nghiệp, mô hình giúp chị em có thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình. Chị Bùi Thị Sáng chia sẻ: “Được chị Điền hướng dẫn cách làm, ngoài công việc đồng áng và việc nhà, tôi tranh thủ những lúc rảnh rỗi đan thêm những sản phẩm từ lục bình. Công việc này ban đầu cũng vất vả lắm, phải tỉ mỉ, tinh tế, nhưng làm nhiều thì thấy quen và thích. Sau nhiều năm gắn bó với nghề, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập kha khá”.

Thiết nghĩ, đây là mô hình hiệu quả, phù hợp với lao động nhàn rỗi ở địa phương, nhất là trong mùa nước nổi và tình hình dịch bệnh như hiện nay. Các sản phẩm được làm ra từ lục bình không chỉ có nhiều mẫu mã đẹp mà còn thân thiện với môi trường, được nhiều người ưa chuộng, góp phần hạn chế tình trạng lục bình trôi nổi trên sông. Vì vậy, mô hình cần được nhân rộng tại các địa phương. Đi đôi đó, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm và giới thiệu việc làm cho phụ nữ nông thôn cần được chú trọng nhằm giúp chị em có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống./.

Ngọc Mận - Thùy Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-dan-lat-cac-san-pham-tu-luc-binh-a125557.html