Hiệu quả từ mô hình hòm thư điện tử ẩn danh
Ở nơi biên giới của tỉnh Điện Biên, công tác dân vận, tuyên truyền pháp luật của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Do đặc thù địa hình hiểm trở, dân cư phân tán, đồng bào chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều... công tác tuyên truyền pháp luật, vận động quần chúng đòi hỏi những phương pháp linh hoạt, sáng tạo... Mô hình hòm thư điện tử ẩn danh của Đồn Biên phòng Na Cô Sa là một ví dụ.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội, tuyên truyền lưu động, tờ rơi pháp luật... tiếp nhận thông tin qua nhiều kênh trực tiếp, một mô hình mới là “Hòm thư điện tử ẩn danh tố giác tội phạm và xuất, nhập cảnh trái phép” do Đồn Biên phòng Na Cô Sa (Ban chỉ huy BĐBP, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên) triển khai đã cho thấy hiệu quả tích cực khi kết hợp giữa công nghệ thông tin và sự thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, công tác vận động quần chúng. Không cần đi đến trạm kiểm soát biên phòng, không cần giấy mực, chỉ với một thao tác quét mã QR, người dân nơi biên giới đã có thể phản ánh thông tin vi phạm pháp luật một cách dễ dàng, bảo mật và kịp thời tới bộ đội. Trước đây, các hộp thư góp ý đặt tại nơi công cộng thường ít được người dân sử dụng bởi tâm lý e dè, ngại để lộ danh tính. Từ đầu năm 2024, mã QR của mô hình hòm thư điện tử ẩn danh được in trên giấy, dán tại các địa điểm dễ tiếp cận như chợ phiên, nhà văn hóa, trạm y tế... cho phép người dân có thể phản ánh nhanh chóng, thuận lợi thông tin tố giác tội phạm về hộp thư điện tử của đơn vị.

Cán bộ Đồn Biên phòng Na Cô Sa hướng dẫn người dân sử dụng “Hòm thư điện tử ẩn danh tố giác tội phạm và xuất, nhập cảnh trái phép”. Ảnh: ĐÌNH HÙNG
Với thiết kế song ngữ (tiếng Việt và tiếng Mông), hướng dẫn ngắn gọn, dễ hiểu, mô hình đã nhanh chóng tiếp cận được nhiều đối tượng, kể cả người ít tiếp xúc với công nghệ. Thiếu tá Đỗ Xuân Điềm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Na Cô Sa chia sẻ: “Mấu chốt là làm sao để người dân thuận tiện, cảm thấy an toàn và được bảo vệ khi phản ánh thông tin. Chúng tôi không lưu địa chỉ, không yêu cầu khai báo danh tính nên bà con rất yên tâm”. Từ khi triển khai đến tháng 6-2025, Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã tiếp nhận gần 50 tin báo có giá trị, trong đó nhiều thông tin giúp đơn vị phát hiện sớm, xử lý hiệu quả các vụ việc như trộm cắp, sử dụng vũ khí tự chế, cư trú, xuất, nhập cảnh trái phép...
Không chỉ dừng lại ở một công cụ phản ánh vi phạm, mô hình “Hòm thư điện tử ẩn danh tố giác tội phạm và xuất, nhập cảnh trái phép” còn trở thành cầu nối hai chiều giữa Đồn Biên phòng Na Cô Sa với bà con nhân dân trên địa bàn. Để người dân sử dụng thành thạo, cán bộ, chiến sĩ Đội Vận động quần chúng của Đồn kiên trì đến từng thôn, bản, phối hợp cùng trưởng bản, già làng tổ chức hướng dẫn tỉ mỉ. Những buổi hướng dẫn "cầm tay chỉ việc" vừa giúp người dân vượt qua rào cản về công nghệ và tâm lý để sử dụng mô hình, vừa là dịp để bộ đội tuyên truyền về pháp luật, về trách nhiệm của mỗi công dân trong bảo vệ an ninh, trật tự nơi biên giới và tìm hiểu tâm tư, tình cảm của người dân. Ông Vàng A Di, Trưởng bản Huổi Thủng 2, xã Quảng Lâm, cho biết: “Từ khi có mô hình hòm thư điện tử ẩn danh, bà con rất yên tâm và thuận lợi hơn nhiều. Ngày trước, muốn báo tin gì cũng phải lên xã hay gặp bộ đội, bà con ngại lắm vì sợ bị lộ danh tính và phải đi lại vất vả. Nay chỉ cần điện thoại, quét mã QR, gõ mấy dòng là gửi được thông tin ngay. Trong bản có cụ già không biết chữ cũng nhờ con cháu gửi thông tin giúp”.
Đại tá Nguyễn Đức Cảnh, Chủ nhiệm Chính trị Ban chỉ huy BĐBP, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, đánh giá: “Mô hình hòm thư điện tử ẩn danh không cần đầu tư lớn, không sử dụng công nghệ phức tạp nhưng hiệu quả mang lại rất rõ rệt. Đây là cách làm mới, phù hợp với điều kiện thực tế vùng cao, có thể nhân rộng tại các đơn vị. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang được thực hiện mạnh mẽ khắp cả nước, việc ứng dụng công nghệ vào công tác dân vận, tuyên truyền pháp luật không chỉ là xu thế mà còn là bước đi tất yếu để củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc từ cơ sở”.
Từ một mã QR tưởng chừng đơn giản, mô hình hòm thư điện tử ẩn danh của Đồn Biên phòng Na Cô Sa mở ra hướng tiếp cận mới trong công tác dân vận tại địa bàn vùng biên. Đó không chỉ là cách để người dân gửi thông tin mà còn là nơi khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ bình yên thôn bản.