Hiệu quả từ mô hình Kinh tế hộ gia đình

Bằng sự cần cù, chịu khó và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nhiều gia đình đã có thu nhập ổn định.

Ông Trần Văn Đề (thứ 2, trái qua) giới thiệu về mô hình nuôi bò sữa

Ông Trần Văn Đề (thứ 2, trái qua) giới thiệu về mô hình nuôi bò sữa

Hiệu quả mô hình nuôi bò sữa

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Đề (SN 1975, ngụ xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, tỉnh Long An) từng là hộ nghèo ở địa phương. Thời điểm đó, vợ làm công nhân, ông Đề lao động tự do nên thu nhập bấp bênh, trong khi phải nuôi 2 con nhỏ thường xuyên đau ốm. Chia sẻ với hoàn cảnh này, Hội CCB Việt Nam xã tạo điều kiện cho gia đình ông vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư nuôi bò sữa.

Ông Đề cho biết: “Vay 20 triệu đồng, tôi mua được 2 con bò sữa. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, tôi vệ sinh chuồng trại, cắt cỏ cho bò ăn, vắt sữa bò. Khi đàn bò ngày càng phát triển, vợ tôi nghỉ việc ở công ty để tập trung nuôi bò sữa. Đến nay, gia đình tôi có trên 30 con bò, thu nhập bình quân 26 triệu đồng/tháng”.

Để nuôi bò sữa đạt chất lượng, người nuôi phải nắm vững các yếu tố kỹ thuật từ việc chọn con giống đến cách lấy sữa. Theo đó, phải chọn con giống rõ nguồn gốc, khẩu phần ăn của bò phải căn cứ từng thời điểm như nuôi thai, tiết sữa hoặc duy trì tăng trưởng của mỗi cá thể bò; môi trường chăn nuôi thoáng mát, sạch sẽ; vắt sữa đúng kỹ thuật;...

Chủ tịch Hội CCB Việt Nam xã Nhơn Thạnh Trung - Nguyễn Tùng Lâm cho biết: “Khi xuất ngũ, ông Trần Văn Đề tham gia tốt các phong trào do địa phương phát động và nhiều năm liền đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi. Đặc biệt, ông Trần Văn Đề hiến trên 70m2 làm đường giao thông nông thôn, góp phần tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Ông Trần Văn Đề xứng đáng là tấm gương CCB vượt khó tiêu biểu cho nhiều người cùng noi theo”.

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Ông Nguyễn Văn Bằng có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi gà và trồng thanh long

Ông Nguyễn Văn Bằng có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi gà và trồng thanh long

Bình quân, sau khi trừ chi phí, hàng năm, ông Nguyễn Văn Bằng (xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) có thu nhập trên 200 triệu đồng từ việc chăn nuôi gà và trồng thanh long.

Ông Bằng bộc bạch: “Gần 20 năm, gia đình tôi sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi gà thịt. Trước đây, gia đình nuôi hàng ngàn con nhưng những năm gần đây, giá thức ăn tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh nhiều nên gia đình giảm đàn gà xuống còn 1.000 con. Gà nuôi trên 3 tháng là xuất chuồng, trọng lượng từ 1,5-2kg/con, giá bán dao động từ 50.000-65.000 đồng/kg. Mỗi năm, gia đình nuôi 2 đợt gà, thời gian còn lại dùng để xử lý, vệ sinh chuồng trại nhằm diệt mầm bệnh”.

Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học nên chuồng trại được ông Bằng thiết kế thoáng mát, sạch sẽ, đàn gà được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh. Ngoài thức ăn công nghiệp, ông Bằng còn tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gà. Đây cũng là “bí quyết” giúp đàn gà phát triển tốt, thịt chắc, ngọt và bán có giá hơn. Còn về trồng thanh long, ông cố gắng chăm sóc vườn dù có thời điểm giá thanh long xuống thấp, thậm chí không ai mua.

Ông Bằng cho biết: “Dù có kinh nghiệm trong chăn nuôi gà nhưng tôi chưa bao giờ dám lơ là, chủ quan với dịch bệnh, thay vào đó chủ động phòng, chống dịch bệnh từ xa. Nhờ nuôi gà, tôi mua được 4.000m2 đất trồng thanh long, nuôi 2 người con khôn lớn, có việc làm, thu nhập ổn định và xây dựng được căn nhà khang trang. Hiện nay, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, trong đó có hộ chăn nuôi gà vì chi phí đầu vào tăng, thị trường tiêu thụ gà chậm. Hy vọng thời gian tới, các cấp, các ngành có biện pháp hỗ trợ bình ổn giá thức ăn cho người chăn nuôi”.

Những hiệu quả các mô hình kinh tế hộ gia đình đem lại góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-kinh-te-ho-gia-dinh-a159262.html