Hiệu quả từ mô hình 'Nhóm trẻ vui chơi đọc sách'
Địa bàn xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, người dân phần lớn là đồng bào dân tộc Xê Đăng. Để giúp trẻ phát triển các kỹ năng học nói tiếng Việt một cách toàn diện, năm 2016 Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Tô phối hợp với Trường Mầm non xã Ngọc Tụ xây dựng mô hình 'Nhóm trẻ vui chơi đọc sách' tại điểm Trường Mầm non thôn Đăk Tông, xã Ngọc Tụ.
Mô hình đến nay vẫn được duy trì hiệu quả. Định kỳ, vào chiều thứ tư hằng tuần, các cô giáo mời khoảng 5-10 học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 sang đọc sách cho các em mầm non. Thông qua mô hình, trẻ không chỉ nắm được thông tin, kiến thức trên sách, báo mà còn tăng cường giao lưu, học hỏi. Sách được các cô giáo vận động, quyên góp trên địa bàn huyện và định kỳ bổ sung số đầu sách để đa dạng nội dung, thu hút học sinh tham gia sinh hoạt.
Mô hình đã góp phần thực hiện tốt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”. Tỷ lệ trẻ nói và viết tiếng Việt trước khi vào lớp 1 ngày càng tăng, góp phần nâng cao kỹ năng nói tiếng Việt của trẻ và chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số tại địa phương. Cô giáo Tô Thị Tơ, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Ngọc Tụ cho biết: "Nhà trường được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện giai đoạn 1 đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số".